Hiện việc học sinh có học lực khá, giỏi nộp hồ sơ vào trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề không còn là chuyện hiếm, thậm chí số lượng này đang tăng theo từng năm. Có thể thấy, trong thời gian gần đây, tâm lý lựa chọn ngành nghề của nhiều gia đình Việt Nam đã có sự chuyển dịch. Điều này thể hiện rõ qua số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp. Tất nhiên, không phải hầu hết đều học nghề, nhưng điều này cho thấy sự chuyển dịch, không phải bằng mọi giá phải vào đại học.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tính riêng trong năm 2019, số thí sinh dự thi THPT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp chiếm đến 27,8%, cao hơn nhiều lần so với 2 năm trước đó. Năm 2018, tỷ lệ này trên cả nước là 25,7%, năm 2017 là 25%. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy người học đang có lựa chọn phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh thực tiễn của bản thân hơn, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người có trình độ đại học đang tăng cao. Cuối năm 2018, số lượng người thất nghiệp trình độ đại học là 135.800 người, trong khi số lượng thất nghiệp nhóm trình độ trung cấp chỉ bằng một nửa. Bằng mọi giá phải vào đại học không còn là mục tiêu cố gắng của nhiều học sinh, sinh viên, nói cách khác việc học đại học không còn là xu hướng bắt buộc hiện nay.
Trong tương lai, sự chuyển dịch còn rõ nét hơn, nhất là khi các đơn vị sự nghiệp sẽ áp dụng việc trả lương dựa theo vị trí việc làm. Việc vào đại học hay không sẽ không còn là gánh nặng, quan trọng là người học có kỹ năng gì và năng lực đến đâu.
Thực tế chi phí chi trả cho việc học đại học đang nhiều hơn so với học nghề, trong khi cơ hội việc làm của học nghề lại cao hơn. Có lẽ vì thế tại Việt Nam trong những năm gần đây nhiều người dù đã có bằng đại học vẫn chọn học thêm bằng cao đẳng, trung cấp nghề với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm để tạo thu nhập và có thu nhập cao.
Dự kiến đến năm 2020, 40% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học hệ cao đẳng. Việc vào đại học hay vào trường nghề là quyền lựa chọn từ phía người học. Tuy nhiên, dù lựa chọn như thế nào, ở trong môi trường học tập nào người học cũng cần phải có kỹ năng giải quyết vấn đề vì đây là tiêu chí hàng đầu để nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!