Bạc Liêu được xem là nơi đặt nền móng cho cổ nhạc miền Nam, cũng là nơi đờn ca tài tử và các bản vọng cổ được khơi nguồn. Cũng chính vì thế mà hiếm có địa phương nào, hình ảnh của những nhạc cụ truyền thống được xây dựng và tôn vinh như vốn quý. Trong đó phải kể đến khu lưu niệm "Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu", tọa lạc tại phường 2, thành phố Bạc Liêu.
Qua cổng chính, phía sau đài phun nước là tượng đài ống tre hiện ra sừng sững. Đây chính là chiếc đàn kìm được cách điệu từ đốt tre – biểu tượng của đờn ca tài tử Nam Bộ, gắn liền với hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa.
Từ đài tre nhìn xuống, du khách sẽ thấy tổng thể khu vực đặt tượng nhạc cụ được thể hiện hình chữ Trí bằng chữ Hán cùng 12 loại nhạc cụ dân tộc được khắc bằng đá xanh. Nếu muốn chiêm ngưỡng những tư liệu quý về nghệ thuật đờn ca tài tử hay ngắm nhìn hình ảnh của các nghệ sĩ, nghệ nhân cải lương tiêu biểu của Bạc Liêu thì khu trưng bày là nơi du khách nhất định phải ghé qua.
Tại đây, phục trang sân khấu của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, những cảnh phục dựng đờn ca tài tử bằng sáp hay những nhạc cụ cổ của các nghệ nhân đều có mặt. Du khách sẽ được tìm hiểu về một thời hưng thịnh của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Việt Nam cũng như tìm hiểu đôi chút về hoản cảnh lịch sử của bản "Dạ cổ hoài lang".
Từ đây bản Dạ cổ hoài lang theo giới thương hồ lan tỏa ra khắp các nhánh sông, sau đó trở thành tiền thân cho các bài vọng cổ sau này.
Về miền dạ cổ, du khách cũng đừng quên thắp một nén hương tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài hoa, người khơi nguồn mạch chảy âm nhạc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và trở thành vốn quí trong kho tàng văn nghệ Việt Nam./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!