Tại một trạm chờ xe bus vào loại hiện đại bậc nhất của TP.HCM, trạm có hệ thống tra cứu thông tin, đọc báo thông qua trụ Internet, nhà vệ sinh công cộng tự động. Và nơi đây không phải là trạm chờ duy nhất được trang bị hiện đại như vậy. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù có nhiều thay đổi theo hướng tích cực về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, lượng hành khách sử dụng xe bus tại TP.HCM tiếp tục giảm.
Có rất nhiều lý do để xe bus không còn là sự lựa chọn của nhiều người. Hệ quả là hoạt động xe bus ngày càng giảm sút. Điều này đã khiến mục tiêu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng bằng xe bus đáp ứng từ 15% - 20% nhu cầu đi lại của người dân còn quá xa vời. Trong khi đó, các hợp tác xã xe bus ngày càng lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười".
Thực trạng giảm sản lượng đã khiến nhiều tuyến xe bus lâm vào tình trạng xuất bến không khách. Không đi không được, nhưng đi thì cầm chắc lỗ. Bên cạnh đó, việc giá vé tăng lên 6.000 đồng từ ngày 1/5 khiến xe bus ngày càng khó cạnh tranh với xe ôm công nghệ. Hiện xe ôm công nghệ giảm giá và chấp nhận đi những đoạn đường ngắn để cạnh tranh. Tình trạng bấp bênh đã khiến tài xế xe bus chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào để có nhiều khách hơn, việc cải thiện chất lượng hay mở rộng luồng tuyến là quá vĩ mô và xa xôi đối với họ.
Càng ảm đạm hơn khi trong 7 tháng đầu năm 2019, có 333.000 chuyến xe bus chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. TP.HCM đã giảm 5 tuyến hoạt động, kéo theo sản lượng hành khách giảm. Theo các chuyên gia, để vực dậy xe bus, trợ giá hay mạng lưới xe bus không phải là vấn đề đáng bàn ở đây. Rõ ràng, chỉ khi đáp ứng được nhu cầu, xe bus mới được người dân tin dùng. Không thể phủ nhận xe bus là loại phương tiện giao thông công cộng luôn cần thiết với người dân, nhưng cần ở đâu và cần bao nhiêu mới là bài toán dành cho những người làm hoạt động xe bus.
Đã từng có thời xe bus là sự lựa chọn số 1 của rất nhiều người dân, hệ thống xe bus luôn rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, năm 2005, TP.HCM phải đưa hai tuyến xe bus hai tầng vào hoạt động để tăng khả năng chuyên chở. Làm thế nào để đưa bus về thời hoàng kim không chỉ là câu chuyện từ phía hợp tác xã, ngành giao thông vận tải mà còn phụ thuộc vào các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng một cách bài bản và nghiêm túc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!