Từ A - Z những điều cần biết về bệnh Gout

Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, icon
06:00 ngày 15/04/2018

VTV.vn - Gout là một bệnh rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể.

Bệnh Gout không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

Bệnh Gout là gì?

Gout là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa axit uric làm tăng axit uric trong máu, các tinh thể urat lắng đọng trong bao khớp gây ra đau khớp. Nếu người bình thường có lượng axit uric là 2-5mg/ 100ml thì người bệnh gout có thể lên tới 8,8mg/ 100ml.

Ai dễ mắc bệnh Gout?

Bệnh Gout thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi nhưng hiện nay đang có dấu hiệu trẻ hóa. Nữ giới ít gặp hơn nam giới.

Nguyên nhân nào gây bệnh?

Sự gia tăng bất thường của nồng độ acid uric trong máu được xác nhận là nguyên nhân chính tạo nên các cơn đau. Các phân tử axit uric trong máu bình thường sẽ được đào thải qua bài tiết nhưng khi ở nồng độ lớn chúng sẽ tích tụ, kết tủa các tinh thể muối urat ngay tại các vị trí khớp, sụn, xương gây ra viêm, tấy, sưng khớp vô cùng đau đớn cho người bệnh.

Axit uric được sinh ra từ sự phân hủy của purin có mặt trong tất cả các mô, tế bào của cơ thể. Purin cũng được hấp thụ khá nhiều từ thực phẩm quen thuộc như gan, các loại đậu thậm chí rà rau củ quả cũng có chứa hàm lượng purin nhất định. Nồng độ Acid uric trong máu cao dẫn đến các triệu chứng bệnh gout chủ yếu do ba nguyên nhân: tăng bẩm sinh, gút nguyên phát và gout thứ phát.

Từ A - Z những điều cần biết về bệnh Gout - Ảnh 1.

Các cơn đau do bệnh gout thường xuất hiện ở khớp bàn ngón chân, khớp cổ chân, khớp gối, cổ tay, ngón tay,...

Tăng bẩm sinh: Do cơ thể người bệnh bị thiếu men HGPT ngay từ khi còn nhỏ bởi vậy lượng acid uric không ổn định sẵn. Trường hợp này rất hiếm gặp nhưng khi gặp thì bệnh lại rất nặng, rất khó phát hiện và rất khó chữa.

Nguyên nhân nguyên phát: Đây là nguyên nhân gắn liền với yếu tố gen di truyền, cơ địa. Trong trường hợp này người bệnh có sự tổng hợp purin nội sinh cao hơn người bình thường nên nồng độ acid uric trong máu cũng tỷ lệ thuận tăng theo.

Nguyên nhân thứ phát: Đây là yếu tố bên ngoài, vì lý do nào đó như tiêu thụ các loại thức ăn chứa nhiều nhân purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, nấm, cá hay thói quen uống rượu bia không kiểm soát,… khiến cho lượng acid uric trong máu tăng mạnh. Đây cũng là tác nhân chủ yếu kích thích sự gia tăng acid uric trong máu cao và cũng là vấn đề phức tạp trong quá trình điều trị các triệu chứng bệnh gout.

Triệu chứng của bệnh gout

Các cơn đau do bệnh gout thường xuất hiện ở khớp bàn ngón chân, khớp cổ chân, khớp gối, cổ tay, khuỷu tay kèm theo sưng tấy, nóng đỏ, xung huyết.

Người mắc bệnh gout thường xuất hiện những triệu chứng cơ bản như:

- Sưng, viêm đỏ: Khớp ngón tay và ngón chân cái sẽ xuất hiện tình trạng sưng đau và kèm với đó cơn đau cũng có thể xuất hiện tại các khớp lân cận như khớp gối, bàn cổ tay, mắt cá.

- Khó vận động: Do xương khớp bị tổn thương viêm, gây đau buốt nên quá trình vận động của người bệnh cũng bị gián đoạn.

- Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng và phát triển thành mạn tính thì có thể làm mất khả năng vận độc, biến dang xương khớp, hình thành nên cục tophi do tinh thể urate lắng đọng trong mô mềm.

Điều trị bệnh gút thế nào hiệu quả?

Từ A - Z những điều cần biết về bệnh Gout - Ảnh 2.

Người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị khi nghi ngờ gout

Tùy vào từng trường hợp và giai đoạn bệnh khác nhau mà có cách điều trị gout khác nhau. Hiện nay, phương pháp chủ yếu vẫn là sử dụng thuốc tây y. Trường hợp bệnh gout cấp tính có thể sử dụng thuốc có colchicine, phenylbuzon…Trường hợp gout mạn tính có thể sử dụng thuốc làm tăng thải trừ axit uric như allopurinol, probenecid…

Lưu ý người bệnh gout cần tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc về điều trị có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Bệnh gout có thể phòng tránh được không?

Bệnh gout có thể phòng tránh được bằng cách ăn uống khoa học, lành mạnh.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh gout, bạn cần có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế tối đa các thực phẩm giàu đạm như phủ tạng động vật (tim, gan, thận…), trứng gà, cá, thịt bò…Hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh mỡ động vật.

Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, vận động thường xuyên nhằm tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp, trong đó có bệnh gout.

Cùng chuyên mục