Nhiều trẻ mắc bệnh sởi bị biến chứng do chưa được tiêm ngừa

Mỹ Hạnh, icon
08:59 ngày 03/03/2019

VTV.vn - Trong tháng 2/2019, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận và điều trị 38 trường hợp mắc sởi. Trong đó, có không ít trẻ bị biến chứng do sởi.

Một bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị cách ly.

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên: chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, khoa tiếp nhận và điều trị 38 trường hợp mắc bệnh sởi. Hiện, có 6 trường hợp vẫn đang điều trị tại khoa. Những trường hợp nhập viện điều trị nghi do mắc sởi hầu như chưa được tiêm phòng vaccine sởi hoặc tiêm chưa đủ liều. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp chưa đến tuổi tiêm ngừa vaccine sởi đã nhiễm bệnh.

Điển hình là trường hợp bệnh nhi Phạm Thiên Ân, ở xã Ea Khal, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Bệnh nhi mới 7,5 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm ngừa vaccine phòng bệnh sởi.

Chị Nguyễn Thị Thành, mẹ bệnh nhi cho biết: "Trước khi nhập viện điều trị, cháu có biểu hiện cảm sốt. Sau đó, gia đình có đưa cháu đi khám ở bệnh viện tuyến huyện và phòng khám tư nhân song được chẩn đoán bị viêm phổi, viêm phế quản. Uống thuốc 6 ngày không khỏi, miệng có dấu hiệu lở loét, sốt cao liên tục, khắp người nổi mẩn đỏ nên gia đình đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh sởi và biến chứng viêm phổi nặng".

Còn trường hợp bệnh nhi H’Kỳ Vọng Êban (13 tháng tuổi, trú tại Hòa Phú, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mắc bệnh sởi và được điều trị gần nửa tháng tại Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, do có biến chứng mắt bị đỏ, nổi ban đỏ từ đầu tới chân, sốt cao, tiêu chảy và viêm phổi nên bé được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để được điều trị.

Chị H’Mê Ra Êban - mẹ bệnh nhi cho hay: "Từ khi sinh đến nay, bé hay ốm vặt, vì thế lịch tiêm chủng luôn bị trì hoãn. Mặc dù đã hơn 1 tuổi những bé vẫn chưa đủ điều kiện để tiêm mũi vaccine phòng bệnh sởi. Do tiếp xúc với một cháu trong xóm mắc bệnh sởi nên bé nhiễm bệnh".

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, trên nguyên tắc, tất cả những bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi đến khám tại bệnh viện đều được các bác sĩ cho nhập viện để theo dõi và điều trị, kể cả sởi đã bị biến chứng hay không biến chứng. Tuy nhiên, những trường hợp nhập viện trong thời gian gần đây đa phần đều bị biến chứng như: nhiễm trùng bội nhiễm, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản.

Cũng theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, sởi là bệnh rất dễ lây và tỷ lệ lây rất cao. Một người chưa có miễn dịch thì khả năng bị lây và nhiễm sởi là 99%, đặc biệt những trường hợp này rất dễ bị biến chứng. Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản - phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Biến chứng nguy hiểm nhất do sởi là viêm não - màng não. Lúc này bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, co giật, thậm chí gây liệt, rối loạn cơ vòng (đại, tiểu tiện không tự chủ) do tổn thương tủy sống. Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non.

Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện, virus sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vài giờ đồng hồ. Trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây cho trẻ khác từ khi ủ bệnh, đến khi hết bệnh từ 7 đến 10 ngày. Do đó, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt đột ngột trên 38 độ C, mắt ướt, nhiều nhử, chảy mũi, ho, có thể bị tiêu chảy, thể trạng li bì, mệt mỏi, phát ban thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám, phân loại, cách ly và điều trị kịp thời.

TS.BS Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo: để phòng bệnh sởi, cách tốt nhất là tiêm ngừa vaccine phòng bệnh sởi. Lịch tiêm ngừa sởi cho trẻ là 9 tháng tuổi mũi đầu tiên và 18 tháng mũi thứ 2. Nếu trẻ ốm vào thời điểm tiêm ngừa, cha mẹ hãy cho trẻ tiêm vào thời điểm gần đó nhất chứ không để trẻ liên tục bỏ sót mũi tiêm vì ốm. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm ngừa mũi sởi để phòng bệnh cho bản thân và cho con. Đặc biệt lưu ý để đề phòng mắc bệnh sởi, cha mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc với những đứa trẻ nghi ngờ mắc bệnh sởi hoặc mắc bệnh sởi.

Để phòng tránh các biến chứng của bệnh sởi, các bậc phụ huynh ngay khi phát hiện các dấu hiệu: sốt, ho, sổ mũi, viêm họng, xuất hiện ban ở niêm mạc, mắt trẻ hơi đỏ hoặc sưng đỏ, sau đó trẻ có dấu hiệu phát ban thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, phân loại, cách ly và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục