Tê yếu chân trái, đi lại khó khăn, vào viện phát hiện u rễ thần kinh

Hồng Hà, icon
09:09 ngày 26/09/2023

VTV.vn - Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật thành công trường hợp u rễ thần kinh cột sống thắt lưng L5 ngoài màng tủy.

Trước đó ở nhà 10 ngày, người bệnh N.V.N. (35 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) có biểu hiện đau lưng, tê yếu chân trái nhiều, đi lại khó; tình trạng tê yếu chân trái ngày càng tăng, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.

Qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ phát hiện người bệnh có u bao rễ thần kinh thắt lưng L5 ngoài màng tủy, hẹp ống sống L5, S1. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật lấy bỏ u rễ thần kinh cột sống L5 ngoài màng tủy bằng kỹ thuật mổ vi phẫu đường vào phía sau có hỗ trợ của kính vi phẫu phóng đại hình ảnh và cố định cột sống, hàn xương liên thân đốt, giải phóng chèn ép tủy rễ thần kinh do hẹp L5S1.

Sau 3 giờ, ca phẫu thuật thành công. Sau 2 ngày phẫu thuật, người bệnh được chỉ định rút sonde tiểu, tập ngồi dậy nhẹ nhàng tại giường có đeo đai hỗ trợ. Sau 4 ngày phẫu thuật, người bệnh tự đi lại được, hết tê chân. Dự kiến, người bệnh sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, u rễ thần kinh là các loại u tủy sống thường gặp nhất; chúng chiếm 15 - 50% trong tất cả các u tủy sống được ghi nhận trong các báo cáo. U bao rễ có nhiều nhất ở rễ tủy cổ và rễ tủy lưng, ít nhất là ở vùng rễ tủy ngực. Bệnh không có khác biệt về giới tính và thường gặp ở độ tuổi từ 40 - 50.

U bao rễ thần kinh kích thước nhỏ thường ít hoặc không có triệu chứng lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng có thể gặp đối với u bao rễ nhỏ là thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau tại chỗ vị trí u như vùng cổ, thắt lưng hoặc xuất hiện triệu chứng tê tay đối với u bao rễ cổ, tê chân với u bao rễ thắt lưng, đặc biệt cơn đau hay xuất hiện về đêm khi bệnh nhân nghỉ ngơi và tập trung sự chú ý đến bệnh. Các triệu chứng bắt đầu đáng kể khi khối u đủ lớn gây áp lực lên các rễ thần kinh hoặc áp lực lên tủy sống gần đó. Áp lực này có thể gây đau tê hoặc yếu ở các chi bị ảnh hưởng, khó giữ thăng bằng hoặc thiếu phối hợp ở tay, chân.

Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người dân nên đi khám bệnh định kỳ; khi có các biểu hiện trên cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám chuyên khoa sâu về bệnh lý thần kinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục