Xa gia đình từ năm 10 tuổi để theo đuổi con đường học nhạc cụ truyền thống, Bùi Công Thơm gắn bó với cây sáo trúc đến nay hơn 20 năm. Là một loại nhạc cụ gắn liền với làng quê Việt Nam hàng nghìn năm nay, sáo đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ, song hành cùng những làm điệu dân ca quan họ, chèo cổ hay rối nước... Nhưng trước làn sóng của âm nhạc hiện đại với K-Pop, Rap hay Hiphop... sáo trúc Việt Nam dường như chìm vào quên lãng. Ấy vậy mà chàng trai 8x Bùi Công Thơm lại dũng cảm lựa chọn một con đường khác, con đường gắn bó với nhạc cụ sáo trúc của Việt Nam.
Bùi Công Thơm và anh trai khi còn nhỏ
Bùi Công Thơm chia sẻ, anh mê sáo trúc từ nhỏ khi anh trai của Thơm đi học sáo ở nhà văn hóa huyện. Thấy anh trai thổi sáo, Thơm cũng thổi sáo theo. Đến bữa cơm, Thơm ăn thật nhanh rồi ra đầu làng đợi, khi anh trai đi học qua thì trốn bố mẹ đi học cùng anh. Thơm còn nhớ đã nhiều lần bị bố mẹ đánh đòn cũng chỉ vì đi học sáo nên bố mẹ không tìm thấy. Thấy giáo thấy Thơm có năng khiếu nên về tận nhà thuyết phục bố mẹ cho Thơm đi học sáo. Ai cũng nghĩ lúc đó cho Thơm đi học sáo theo năng khiếu để ở nhà đỡ đi chơi, nghịch ngợm thôi, nhưng không ngờ đó là khởi đầu để Thơm đi theo tiếng sáo suốt mấy chục năm đến tận bây giờ. Với Thơm, "khi tiếng sáo cất lên, cả không gian, thời gian ngàn năm có thể quay về. Sức mình hạn hẹp, nên mình muốn nối dài những cánh tay. Mình yêu sáo, mình muốn truyền tình yêu ấy cho bạn, bạn lại truyền tình yêu cho người khác. Cứ thế, tình yêu với sáo sẽ lan toả".
Không chỉ thành công khi trở thành một nghệ sĩ sáo trúc có tiếng trong và ngoài nước mà Bùi Công Thơm còn thành công với hàng trăm lớp dạy sáo miễn phí cho các bạn trẻ và xuất khẩu cây sáo trúc Việt Nam đi hàng chục quốc gia trên thế giới. "Cây sáo là vật bất li thân, đi đâu mình cũng thổi. Nhiều bạn thích nghe và hỏi thổi như thế nào. Mình nhận ra, à hóa ra cũng có nhiều người thích nghe sáo và thổi sáo. Vậy tại sao không dạy họ? Tại sao không giúp họ thấy hết được vẻ đẹp của nhạc cụ này?", Thơm chia sẻ. Đó là lý do những lớp học sáo miễn phí ra đời. Sau này, khi internet phát triển, Thơm dạy sáo miễn phí cả trên internet. Từ năm 2006 đến nay, không tính xuể có bao nhiêu lớp học miễn phí, bao nhiêu thế hệ học trò của Thơm đã ra đời. Năm 2010, diễn đàn saotruc.net được Thơm thành lập và xây dựng lên với quy mô rộng lớn đã kết nối được rất nhiều bạn trẻ yêu sáo trúc không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài.
Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với rất nhiều bằng khen, giải thưởng như Huy chương vàng cuộc thi "Liên hoan làn điệu dân ca và nhạc cụ dân tộc thiếu nhi Thủ đô" lần thứ 2 năm 1999 và lần thứ 4 năm 2003, giải khuyến khích cuộc thi "Độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ 2 (năm 2003), giải nhì cuộc thi "Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ 3" (năm 2008), bằng khen sinh viên Thủ đô tiêu biểu năm 2012… Bùi Công Thơm được giữ làm giảng viên. Nhưng giấc mơ lớn cho cây sáo trúc Việt Nam vẫn chưa dừng lại, Thơm luôn khát khao làm sống lại cây sáo trúc và bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu sáo Việt, đưa cây sáo Việt xuất khẩu đi khắp thế giới trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ... Mỗi cây sáo anh làm ra đều kĩ lưỡng đến độ, có mã vạch, mã số riêng, có clip test thử riêng up trên mạng. Đây là một hành trình không hề đơn giản. Vậy Bùi Công Thơm đã trải qua những thách thức gì? Tình yêu sáo trúc đã giúp Thơm nối dài giấc mơ ra sao? Anh đã làm gì để vượt qua những giới hạn bản thân, dám sống, dám yêu cho trọn những gì mình đam mê? Đón xem DÁM SỐNG "Bùi Công Thơm - Đã yêu, hãy yêu cho trọn"phát sóng 7h30 sáng mai (5/10) trên VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!