Sinh năm 1983, Phạm Gia Vinh nổi tiếng từ khi còn là sinh viên ngành Điện, Điện tử công nghiệp – điều khiển tự động, chủ tịch Hội du học sinh Việt Nam tại thành phố Rennes (Pháp). Tốt nghiệp Thạc sĩ loại ưu tại Pháp, Vinh đã từ bỏ những lời chào mời làm việc tại Pháp và các quốc gia Châu Âu để trở về VN thực hiện việc nghiên cứu, phát triển sản xuất máy bay không người lái rồi thành công trong việc xuất khẩu ngược sang Châu Âu. Với khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên chinh phục tầng bình lưu của khí quyển, Phạm Gia Vinh đã cùng các cộng sự trẻ của mình bắt đầu bước vào một giấc mơ kì vĩ đầy cam go mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để mơ và bắt tay thực hiện một lần trong đời.
Trong các tầng của khí quyển, tầng bình lưu tính từ 15km đến 50km là một tầng một tầng vô cùng giá trị và ổn định tuyệt đối. Những nước lớn có nền hàng không vũ trụ phát triển đều duy trì việc nghiên cứu và kiểm soát được tầng bình lưu. Tuy nhiên, trên thế giới trước đây chỉ có Mỹ, Nga, Nhật , Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ và mới đây là Trung Quốc đã chinh phục được tầng bình lưu. Còn các nước Đông Nam Á hiện chưa có nước nào làm được việc này. Vậy mà 6 năm nay, Phạm Gia Vinh - chàng kĩ sư Việt Nam đã cùng nhóm nghiên cứu của mình chế tạo thành công phi thuyền bay vào tầng bình lưu.
Năm 2015, Phạm Gia Vinh và các cộng sự phóng phi thuyền thành công tại Ấn Độ, mang theo 3 con chuột bạch. Sau gần 7 tiếng đồng hồ bay ở độ cao cận vũ trụ, đi qua cả giới hạn Armstrong (độ cao mà áp suất không khí cực thấp) phi thuyền mang theo 3 con chuột trở về trái đất an toàn,đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chinh phục được tầng bình lưu. Tháng 6/2019, Phạm Gia Vinh và nhóm cộng sự đưa thành công con người bay vào tầng bình lưu ở độ cao 30-50km. Đó là một khách hàng người Sigapore và việc đưa được vị khách đầu tiên này lên tầng bình lưu của nhóm Phạm Gia Vinh tiếp tục mở ra những cơ hội chưa từng có trong nghiên cứu tầng khí quyển cao, nghiên cứu môi trường, tài nguyên, viễn thông và quốc phòng ở Việt Nam.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không bay vào tầng bình lưu của các nước trên thế giới rất lớn. Tuy nhiên, trung tâm NASA của Mỹ chỉ đáp ứng nhu cầu của chính nước Mỹ và các công ty tư nhân tại Mỹ. Ở châu Âu cũng diễn ra tình trạng như vậy còn ở châu Á có Ấn Độ nhưng luôn kín lịch muốn thuê bay phải đặt trước và xếp hàng cả năm trời. Việc Phạm Gia Vinh và nhóm nghiên cứu của anh chế tạo được phi thuyền và đưa người bay vào tầng bình lưu sẽ giúp Việt Nam thực hiện khát vọng trở thành trung tâm dịch vụ hàng không vũ trụ trong tương lai. Phạm Gia Vinh cũng mong muốn sớm đưa người Việt Nam đầu tiên bay vào tầng bình lưu.
"Đây là dự án luôn phát triển, không có kết thúc. Chúng mình sẽ tiếp tục hoàn thiện để thực hiện giấc mơ đưa người VN đầu tiên bay vào tầng bình lưu. Thôi thì mình không giàu về tài sản, mà giàu về trải nghiệm. Không phải ai cũng có trải nghiệm ấy. Dám chọn thì dám dấn thân thôi." Đó là những chia sẻ gan ruột của kỹ sư hàng không Phạm Gia Vinh. Vậy anh và các công sự của mình đã vượt qua những khó khăn nào trong quá trình chế tạo thành công phi thuyền và chinh phục tầng bình lưu? Những thách thức nào đang đón đợi các anh ở phía trước? Đón xem Dám sống phát sóng vào lúc 7h30 sáng mai (14/9) trên VTV1 và cùng lắng nghe chia sẻ của người Việt Nam đầu tiên dám chế tạo phi thuyền và dám dấn thân thực hiện giấc mơ chinh phục hàng không vũ trụ - kỹ sư 8x Phạm Gia Vinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!