TV& VIDEO

Điểm hẹn 10h: Những bài học "vỡ lòng" về quản lý tài chính cá nhân

Vũ Phạm-Thứ tư, ngày 13/03/2019 10:00 GMT+7

VTV.vn - Quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng cần thiết để mỗi người kiểm soát tình hình tài chính của chính mình, chi tiêu và tích luỹ hợp lý.

Ai cũng biết tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân đối với mỗi người. Tuy nhiên, những bài học "vỡ lòng" về quản lý tiền bạc dành cho trẻ nên bắt đầu từ khi nào, ở độ tuổi nào thì lại là một vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau.

Chị Minh Hoa ở Lê Văn Lương, Hà Nội cho biết, bố mẹ nên hướng dẫn con cách tiêu tiền khi nào trẻ có nhu cầu. Ví dụ, con trai chị Hoa năm nay 9 tuổi và bé bắt đầu xin mẹ tiền để mua bút, truyện... Chị Hoa thấy đây là thời điểm hợp lý để hướng dẫn con chi tiêu.

Anh Tiến Tùng ở Hoàn Kiếm, Hà Nội thì lại cho rằng không nên dạy con tiêu tiền sớm quá vì trẻ chưa có nhận thức về chi tiêu. Nên hướng dẫn con những bài học đầu tiên về tiền bạc bắt đầu từ lúc con học cấp 2, tứ là 12 tuổi là hợp lý.

Chị Linh Phạm ở Quan Nhân, Hà Nội thì lại cho rằng không nên để con cái tiếp xúc với tiền bạc từ sớm là bởi vì chị không muốn đánh mất sự ngây thơ hồn nhiên của con trẻ trong những năm tháng được gọi là "tuổi thần tiên", "ăn chưa no, lo chưa tới". Cũng như không ít các bậc phụ huynh có quan điểm khá truyền thống, chị Linh e ngại con trẻ tiếp xúc tiền bạc sớm sẽ trở nên thực dụng từ nhỏ, đong đếm mọi thứ bằng thước đo vật chất. Nên cho trẻ học cách tiêu tiền muộn hơn bắt đầu từ cuối cấp 2 lên cấp 3 là vừa.

Điểm hẹn 10h: Những bài học vỡ lòng về quản lý tài chính cá nhân - Ảnh 1.

Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia về tài chính, những bài học vỡ lòng về quản lý tài chính cá nhân nên cho trẻ học càng sớm càng tốt để các em có sẵn nền tảng cho giai đoạn tự lập. Tuỳ theo từng độ tuổi, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn những cách thức khác nhau để hướng dẫn các em có thể bắt đầu những năm đầu tiểu học, thậm chí là khi trẻ còn đang tuổi mẫu giáo. Bỏ ống heo tiết kiệm, chơi trò chơi đồ hàng, đi chợ hay dắt trẻ đi mua đồ chính là những bài học sơ khởi cho trẻ hình thành nhận thức về tiền bạc mà bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể hướng dẫn con. Với những trẻ lớn hơn, khi bắt đầu đi học trẻ có thể học phân biệt các tờ tiền với mệnh giá khác nhau. Đến năm 7-8 tuổi, trẻ đã bắt đầu hiểu được khái niệm tương đương ở mức độ đơn giản như hai tờ năm nghìn bằng một tờ mười nghìn. Đến năm 9 tuổi, bố mẹ có thể chỉ cho con biết cách so sánh giá cả của những món đồ khi đi mua sắm. Và từ 9 tuổi trở lên, trẻ nên được giao thêm trách nhiệm chi tiêu, tiết kiệm và chia sẻ một khoản tiền nhất định, mua những đồ dùng nhất định cho bản thân, thậm chí giúp đỡ người khác để các bé có động lực biết tiết kiệm từ nhỏ...

Điểm hẹn 10h: Những bài học vỡ lòng về quản lý tài chính cá nhân - Ảnh 2.

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm bắt đầu hướng dẫn cho trẻ những bài học "vỡ lòng" về quản lý tiền bạc. Bạn sẽ lựa chọn cách nào để giúp con xây dựng được những kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân cho trẻ khi trưởng thành? Nên bắt đầu với trẻ như thế nào và khi nào? Điểm hẹn 10h hôm nay (13/3) sẽ có những gợi ý cho bạn. Hãy theo dõi và chia sẻ quan điểm của bạn cùng khách mời của chương trình trên trang fanpage của VTV6! Bạn sẽ có những thông tin thú vị và hữu ích!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI