Tất cả mọi người đều mong muốn trở về nhà và cảm thấy thoải mái thư giãn. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta bước vào một căn phòng ngổn ngang những đồ đạc, giấy tờ công việc và những góc nhà đầy bụi bẩn, khiến chúng ta cảm thấy bị căng thẳng và bất ổn. Kiến trúc tối giản lại giúp chúng ta thoát khỏi tất cả những áp lực đó và hướng tới một không gian tinh khiết, đơn giản và tràn ngập ánh sáng.
Xuất hiện từ những năm 1970, Minimalism được xem là một nhánh của phong cách đương đại. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các lĩnh vực như thời trang, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ họa,.. và kiến trúc - nội thất cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Kiến trúc tối giản hướng tới sự tạo lập không gian chặt chẽ, khúc chiết, cô đọng, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng. Sự đơn giản của hình thức tổng thể, chi tiết kiến trúc, sự tiết chế trong sử dụng vật liệu, màu sắc… nhằm đem lại tính tập trung vào không gian và đưa không gian thành nội dung chủ đạo của công trình.
Những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế nội thất tối giản:
1. Less is more – Ít là nhiều: giảm thiểu đến tối đa việc trang trí trong không gian nội thất.
Chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm cũng như phong cách thiết kế và trang trí Nhật Bản, đồng thời được xây dựng trên nền tảng triết lý "Less is more", việc trang trí nội thất theo phong cách Minimalism hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới. Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng trên các mặt phẳng này chính là những yếu tố quan trọng làm nên phong cách tối giản. Tất cả những gì không cần thiết được coi là thừa thãi và được loại bỏ, từ đường nét, hình khối kiến trúc cho đến các trang trí nội thất.
2. Sử dụng hạn chế về màu sắc
Không có quá ba màu trong không gian nội thất theo phong cách minimalist style: một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn. Màu sắc của các mảng tường là màu trung tính nhằm tạo ra một phông đệm cho các vật dụng trang trí bên trong, hướng sự chú ý của người quan sát đến những điểm nhấn quan trọng. Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ biến trong phong cách Minmalism như một phong nền trơn nhằm tăng giá trị các đồ đạc xung quanh, đồng thời mang lại hiệu quả thị giác về một không gian rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn.
3. Dùng ánh sáng làm nội thất
Do hạn chế sử dụng màu sắc trong nội thất, ánh sáng trong phong cách Minimalism được xem như một thành phần trang trí quan trọng để tạo ra các hiệu ứng thị giác và thẩm mỹ. Việc sử dụng ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên, được chú trọng nhằm nhấn mạnh các khu vực quan trọng và tạo ra bóng đổ với hiệu quả cao để tôn lên các hình khối của vật dụng và các thành phần kiến trúc khác.
4. Một phong cách sống phù hợp
Điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất khi người sở hữu không gian tối giản cần có một lối sống tối giản: đồ dùng, diện tích sử dụng và tận dụng tối đa công năng của từng vật dụng. Có như vậy, không gian và con người mới hoà hợp để tạo ra một tổng thể tinh tế, mang lại cảm giác hạnh phúc, thanh khiết cho người dùng.
Còn những điều gì thú vị nữa để không gian nhà ở, phòng làm việc của bạn trở nên tươi mới hơn, hãy cùng Theo dõi Thế hệ số 10h ngày hôm nay trên fanpage VTV6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!