Khi đặt ra câu hỏi "Thế nào là học thật? Thế nào là thi thật? Mối liên quan ra sao giữa hai vấn đề này?", phóng viên của chương trình đã nhận được những câu trả lời khá thú vị của các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Bạn Thành An, Hà Nội cho rằng, học thật là học theo phương pháp đào sâu kiến thức, không chỉ phụ thuộc vào phần mình học kỹ phần kiến thức thầy cô dạy trên lớp mà về nhà còn phải đọc sách, nghiên cứu để mình thật sự hiểu những kiến thức đó. Còn thi thật thì đơn giản là mình thi bằng năng lực bản thân, học đến đâu thì thi đến đó và cố gắng làm tốt bài thi hết sức có thể. Thi không phải là để chạy theo điểm số mà còn phải cạnh tranh về nhiều mặt khác nữa như để có thể đi du học thì các bạn sẽ cố gắng đề có hồ sơ tốt hay vào được phỏng vấn, đó cũng là một dạng bài thi. Nếu nói phải có thi thật thì mới có học thật thì không liên quan lắm vì học thật là để kiến thức cho mình còn thi là để đánh giá năng lực của mình, điểm thi không nói lên gì cả, đó chỉ cái mốc để mình phải vượt qua...
Chị Nga Phạm, một phụ huynh ở Hà Nội cũng đồng tình cho rằng, học thật là kiến thức mình học được phải thực sự thấm, dù chưa sâu, dù điểm thi chưa cao nhưng bản thân người học phải nhận biết được những giới hạn của bản thân để tiếp tục cố gắng và nỗ lực học tiếp. Kiến thức của thầy là nền tảng cho bản thân các em tự học để tiếp tục phát triển kiến thức đó rộng mở hơn. Còn thi thật chính là dùng kiến thức để tư duy và giải quyết những vấn đề mà đề thi đưa ra cho học sinh. Chị cũng băn khoăn về cơ chế cộng điểm ưu tiên làm sao để thực sự tạo sự cạnh tranh công bằng cho các thí sinh ở đầu vào và đầu ra của mỗi kỳ thi tuyển.
Bạn Nhật Nguyễn, Trường PTTH Lê Quý Đôn khi được hỏi về vấn đề thi thật, học thật bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng thi cử và áp lực điểm số trong thời gian vừa qua sau những vụ gian lận nâng điểm thi đại học của một số tỉnh như Lạng Sơn, Hòa Bình... Bạn bức xúc khi cho rằng chính sự gian lận đó đang tiếp tay cho vấn nạn "học giả, thi giả", tước bỏ cơ hội chính đáng của những bạn "học thật, thi thật"
Chị Vũ Thịnh, Hải Phòng suy nghĩ, nếu không chấn chỉnh để có một cơ chế thi thật, tức là thi bằng kiến thức thật, kiến thức phù hợp với chuyên ngành học và đặc thù của mỗi cơ sở tuyển sinh thì sẽ khó mà thiết lập nền tảng cho việc "học thật", sự gian dối sẽ lên ngôi và làm đảo lộn các giá trị tốt đẹp vốn có của việc học hành và thi cử.
Còn ý kiến của bạn thì sao, bạn quan niệm thế nào là thi thật – học thật? Bạn mong muốn được chia sẻ bí quyết để có thể tự tin "học thật, thi thật" trước mùa thi đang cận kề sắp tới? Hãy theo dõi chương trình Thế hệ số trực tiếp vào lúc 18h30 hôm nay (14/5) trên VTV6. Chắc chắn bạn sẽ có những thông tin hữu ích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!