TV& VIDEO

Thế hệ số trực tiếp 18h30 (7/2 tức mùng 3 Tết Kỷ Hợi): Tết Thầy Xưa và Nay

Vũ Phạm-Thứ năm, ngày 07/02/2019 08:00 GMT+7

VTV.vn - "Mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết Thầy" là nét đẹp trong văn hoá Tết của người Việt.

Trong ký ức Tết của mỗi người Việt, ngày mùng 1 luôn gắn với quê nội - quê cha, ngày mùng 2 gắn với quê ngoại - quê mẹ và ngày mùng 3 là nhà thầy. Thời bao cấp, khi xe đạp là phương tiện đi lại quý như chiếc ô tô bây giờ, mỗi lần tết đến là lũ trẻ lại háo hức cùng cha mẹ sửa soạn áo mới, bao gạo, hộp mứt, con gà rồi lắc lẻo trên chiếc xe Phượng Hoàng để tết nội, tết ngoại, tết thầy. Nói ba ngày Tết nhưng thực ra tết đã bắt đầu từ ngày 30 hoặc 29 tháng Chạp năm trước (nếu là năm thiếu).

Nếu như ngày 30 Tết là ngày dành cho gia đình sum vầy bên mâm cơm cúng tất niên chiều cuối năm thì 3 ngày đầu năm mới, theo truyền thống người Việt dành cho Cha, Mẹ, và Thầy. Đây là 3 người quan trọng nhất có công sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ mộtđứa trẻ từ lọt lòng cho đến khi khôn lớn nên người. Ngày mùng 3 Tết Thầy từ ngàn đời nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt.

Xưa học trò cứ đến ngày mùng 3 là cùng cha mẹ hoặc cùng nhau đến chúc Tết thầy. Quà tết thầy xưa đơn giản chỉ là đôi bánh chưng, cặp bưởi, con gà hay thúng gạo nếp. Đến thời bao cấp, quà Tết thầy đã có chút thay đổi với đôi khăn mùi xoa, chiếc khăn voan, cặp xoong nhôm hay hộp mứt Tết Hà Nội ngũ vị nhưng cho dù là quà gì thì cũng đều thể hiện tấm lòng, sự trân quí và sự vô tư của cả người trao và người nhận trong ngày đầu năm mới. Bây giờ Tết Thầy không còn chỉ là ngày mùng 3 nữa. Những đợt nghỉ Tết thường kéo dài gần chục ngày đối với người đã đi làm và gần nửa tháng đối với học sinh, sinh viên. Vì vậy, ngày mùng 3 Tết Thầy có sự dịch chuyển sang những ngày trước hoặc sau mùng 3 tết là khá phổ biến. Thời đại công nghệ 4.0, việc chúc tụng thầy cô nhân ngày lễ tết có thể trở nên đơn giản hơn với trò này trò kia, mối quan hệ thầy trò giờ đây có thể gần gũi hơn thời xưa nhưng tinh thần "tôn sư trọng đạo" vẫn là cốt lõi, là nét văn hoá không bao giờ thay đổi trong truyền thống người Việt. Thầy cô mãi là người chở đò vượt thời gian, là người trồng những cây sai trái ngọt cho đời. Mùng 3 Tết Thầy chính là Ơn Thầy là vậy.

Tết Thầy giờ dịch chuyển ra sao? Tết thầy Xưa và Nay có gì khác? Hãy cùng theo dõi Bản tin Thế hệ số với chủ đề Tết Thầy vào ngày mùng 3 Tết (tức 7/2) trên VTV6 và chia sẻ những điều tốt đẹp nhất tự tâm khảm của bạn dành cho những người thầy của bạn trên fanpage của VTV6 trong dịp Tết Kỷ Hợi này nhé!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI