Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ với hơn 2,5 triệu nguyện vọng. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000 chỉ tiêu. Như vậy, cánh cổng đại học sẽ khép lại với 163.000 học sinh thi trượt khi kết thúc kỳ thi đại học năm nay. Khá nhiều phụ huynh chỉ đến khi con thi trượt đại học mới tá hoả đặt câu hỏi "Con thi trượt thì làm sao?". Đưa con đi thi đương nhiên bậc phụ huynh nào cũng chỉ mong muốn con mình đỗ đạt nên rất ít vị nghĩ đến việc con mình thi trượt thì sẽ làm sao. Trong khi đó, việc chủ động đặt ra tình huống thi trượt và chuẩn bị tinh thần đầy đủ để đối diện với kết quả thi là rất quan trọng để các em không bị áp lực về vấn đề thi cử sau khi kỳ thi kết thúc, hạn chế những suy nghĩ và hành động tiêu cực cho các em thi trượt.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý, cứ vào mùa thi, đặc biệt là thời điểm các trường đại học thông báo kết quả tuyển sinh là họ lại nhận được không ít cuộc gọi của thí sinh tâm sự "muốn chết vì mọi thứ đã chấm hết khi trượt đại học". Đã có những câu chuyện đau lòng xảy ra khi các em không đủ khả năng đối diện với sự thất vọng của gia đình, người thân vì đã trót đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái trong các kỳ thi đại học. Không ít người bắt đầu nghi ngại về những bài học về sự chiến thắng mà giáo dục bấy lâu chú trọng dạy cho các em, đặc biệt là chiến thắng về điểm số, thứ hạng trong thi cử mà sao lãng việc trang bị cho các em sự chủ động, mạnh mẽ trong việc đối diện với những sự cố hay thất bại của cuộc đời.
Và có một thực tế mà cả giáo viên, phụ huynh và các em học sinh nên biết là thi đỗ đại học không phải là tấm vé để đi đến thành công cho tất cả mọi người. Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đối với 200.000 sinh viên từ năm 2010 - 2016 có khoảng 80% sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm. 20% còn lại tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc, phải làm trái ngành hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm cũng chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt. Nửa còn lại, các bạn vẫn phải làm việc trái ngành nghề thậm chí làm phục vụ chạy bàn hay xe ôm công nghệ với thu nhập thấp và có thể phải chuyển việc khác bất kỳ lúc nào.
Thi trượt đại học thì làm sao? Cánh cổng đại học có phải là con đường duy nhất để các bạn bước vào đời? Cha mẹ có thể làm gì để đồng hành cùng con và giúp con biết cảm ơn một cơ hội thất bại khi "chẳng may" thi trượt đại học? Phương án dự phòng cho tình huống này là gì? Hãy theo dõi Bản tin Thế hệ số 18h30 tối nay (4/6) trên VTV6 để có những lựa chọn đúng đắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!