Cần hệ sinh thái chuyên nghiệp cho công nghiệp nhạc số Việt

Trương Thủy - Tuấn Anh (VTV9)Cập nhật 06:41 ngày 14/09/2019

VTV.vn - Thị trường âm nhạc phát triển sôi nổi, hứa hẹn ngày càng bùng nổ, đặc biệt là nhạc trực tuyến, nhưng thị trường dù màu mỡ, “miếng bánh” thị phần lại không được bao nhiêu.

Tại Việt Nam, ước tính hiện có hơn 34 triệu người sở hữu smartphone và dự kiến tới năm 2022, con số này sẽ đạt 53 triệu lượt. Do đó, lượng người sử dụng dịch vụ nhạc trực tuyến trong nước cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn khi đây trở thành hình thức phổ biến và hàng nghìn nghệ sỹ hiện diện trên các nền tảng nhạc trực tuyến

Việt Nam là một thị trường có dân số khoảng 100 triệu dân, là một thị trường tiềm năng và hấp dẫn. Năm 2018 và 2019, nhiều "gã khổng lồ" về nhạc trực tuyến đã đổ bộ vào thị trường trong nước. Điều này tạo ra sự sôi động, cạnh tranh gay gắt giữa các nền tảng nhạc trực tuyến ở nước ta.

Ước tính tại Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu người thường xuyên nghe nhạc online. Trong đó, 90% thị phần nhạc trực tuyến trong nước do khoảng 4 - 5 công ty Việt Nam nắm giữ. Trước những "gã khổng lồ" Sportify hay Apple Music, các công ty lớn của Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh toàn phần và trực diện. Ngay cả khi nắm giữ "chìa khóa" rất quan trọng là tính thuần Việt của sản phẩm, các công ty này vẫn gặp phải một thách thức lớn hơn nữa, đó là "miếng bánh" thị trường màu mỡ nhưng lời lãi lại không nhiều. Trong nhiều năm qua, các trang nhạc đều duy trì 2 hình thức nhạc miễn phí và nghe nhạc theo thuê bao. Mức phí hàng tháng mà các công ty đưa ra còn thấp hơn một bát phở nhưng lượng khách hàng trả phí vẫn chưa cao.

Trên thế giới, trung bình có khoảng 45% khách hàng chấp nhận trả tiền để nghe nhạc online trên tổng lượng khách hàng, nhưng ở Việt Nam con số này chưa tới 10%. Do đó, dù các kỷ lục trăm triệu lượt xem được "xô đổ" sau mỗi ngày, mỗi tuần nhưng doanh thu thực tế lại không đến từ những lượt nghe mà chủ yếu từ các hợp đồng quảng cáo.

Làm sao có thể biến đổi một thị trường từ nghe nhạc miễn phí sang nghe nhạc có trả phí, đây có lẽ là một thách thức không nhỏ, cũng là một bài toán nan giải mà các nghệ sỹ cũng như doanh nghiệp nhạc số Việt Nam đang cố gắng tìm ra câu trả lời. Một nền âm nhạc chỉ có thể phát triển một cách lành mạnh nếu như thị trường đó đáp ứng được yêu cầu nghe nhạc có trả phí. Tuy nhiên, cần phải nhắc tới một trong những nguyên nhân sâu xa của vấn đề này, đó là ngành công nghiệp âm nhạc của chúng ta vẫn chỉ ở mức manh nha, sơ khởi, một ngành còn rất thiếu và rất yếu.

Có thể thấy, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp nhạc số Việt Nam lại không đến từ các nền tảng trực tuyến nước ngoài mà từ chính những vấn đề còn tồn tại trong bao nhiêu năm qua của nền âm nhạc Việt Nam. Việc xây dựng một hệ sinh thái chuyên nghiệp cho công nghiệp nhạc số Việt Nam đang dần trở nên cấp thiết và đòi hỏi không chỉ nỗ lực của những nghệ sỹ, doanh nghiệp mà cần có sự chung tay của các Bộ, ban, ngành, chỉ có như vậy mới tạo lập nên một thị trường âm nhạc lành mạnh và phát triển.


Bùng nổ dịch vụ nhạc trực tuyến Bùng nổ dịch vụ nhạc trực tuyến

VTV.vn - Sự xuất hiện của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận âm nhạc của con người.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.