Hạn hán trong năm 2019 đã khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong gần 60 năm qua. Hầu hết các khu vực ở lưu vực có lưu lượng dòng chảy rất thấp kể từ tháng 6. Hiện tại mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc đang thấp hơn gần 1m so với trung bình nhiều năm. Thời tiết khô hạn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và mùa vụ tại ĐBSCL. Nếu hạn hán nghiêm trọng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra.
Theo tính toán của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đỉnh mặn sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến đầu tháng 3 năm sau. Nước mặn sẽ tiến sâu vào đất liền ĐBSCL 50-70km./.
Nhiều năm qua, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại không ít diện tích lúa, hoa màu và cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để tránh thiệt hại trong năm nay, bà con nông dân một số nơi đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, khi vào mùa nắng nóng lượng nước phục vụ tưới tiêu ngày càng giảm, năm nay nhiều nông dân tại Hậu Giang đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động để tiết kiệm nước. Không còn vất vả nhưng trước, chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại di động, hệ thống tưới sẽ được kích hoạt.
Bên cạnh việc áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước, để không bị lệ thuộc quá nhiều và điều kiện tự nhiên, nhiều nông dân cũng chủ động tìm tòi, lai tạo và chuyển sang trồng các giống lúa chịu mặn tốt.
Việc lai tạo và tìm ra các giống có khả năng chống chịu với hạn, mặn được xem là giải pháp mang tính bền vững trong tình hình hiện nay. Bởi theo nhiều chuyên gia, rồi cũng sẽ đến lúc người dân ĐBSCL không thể né hay phòng chống hạn mặn được nữa mà phải sống chung với hạn mặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!