Từ tháng 5 trở lại đây, số bệnh nhi tăng đột biến, có ngày Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng của Bệnh viện Nhi Đồng Nai tiếp nhận đến 70 ca, tăng gần gấp đôi so với các tháng trước đó. Các bệnh nhi bị chấn thương do tai nạn giao thông, bỏng chiếm đa số và khá nặng, có trường hợp để lại di chứng nặng nề. Cụ thể, nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi thường bị bỏng do lửa, điện, nước sôi, trong khi nhóm 6 - 10 tuổi thường bị tai nạn do tiếp xúc với môi trường bên ngoài, leo trèo. Đặc biệt, lứa tuổi dậy thì 14 -15 tuổi thường bị tai nạn giao thông với chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy tay, chân…
Bác sỹ Phạm Đông Đoài, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Nhi Đồng Nai, khuyến cáo: "Khi ở nhà, chúng ta phải có người coi trẻ. Bậc thềm, cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng chống trẻ bị ngã. Ổ điện trong nhà phải có hệ thống an toàn, chống giật hoặc thiết kế phù hợp, ở tầm cao trẻ không thể tiếp cận được. Những tai nạn do điện thường là tai nạn nặng, để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với trẻ nhỏ".
Để phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ em, bác sỹ Đoài đưa ra lời khuyên, nên hạn chế cho trẻ đi xe máy, khi đi với cha mẹ ra đường phải đội mũ bảo hiểm và cài dây an toàn, đồng thời phổ biến Luật Giao thông từ lứa tuổi học đường để trẻ có ý thức chấp hành luật khi đi đường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!