Không còn tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất như tháng 2 vì đã mở rộng được nguồn cung cấp. Thế nhưng, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cũng không thể tăng lượng sản xuất cao vì giờ đây toàn bộ nhà máy ở khu vực miền Trung phải tạm dừng. Kế hoạch đưa hàng hoá đi đến những vùng đang có dịch cũng phải huỷ bỏ. Đơn vị cho biết, tháng 8 được cho là thời điểm để tăng tốc sản xuất thì giờ đây lại quay về thời điểm cầm chừng. Nhưng không vì thế mà chùn chân, lúc này doanh nghiệp đã chuyển hướng tập trung sản xuất các sản phẩm phục vụ mùa dịch và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.
Với doanh nghiệp sản xuất hàng hoá không thiết yếu, chắc chắn sẽ không đạt được chỉ tiêu kế hoạch bởi sức mua sắm trên thị trường đã giảm mạnh. Những doanh nghiệp đang trụ vững chỉ ở nhóm thiết yếu hoặc khi là sản phẩm đạt chất lượng cao.
Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tân Quang Minh đã sụt giảm mạnh về thị trường tiêu thụ trên 10% trong tháng 7 và dự kiến còn kéo dài đến hết năm. Đặc biệt khu vực miền Trung gần như không thể nhập hàng hoá, chưa kể phân khúc khách du lịch và trường học cũng đang gặp khó. Trước tình thế này, đơn vị buộc tái cấu trúc các phân xưởng sản xuất, chia ca làm việc lại cho phù hợp cũng như đổi mới hàng hoá hướng đến sức khoẻ.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp lúc này cần đa dạng hóa chuỗi sản xuất, tránh rủi ro tập trung trên một thị trường cụ thể. Và một lợi thế khi EVFTA được thực thi cũng là tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp thiết kế lại chuỗi cung ứng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu. Nhất cần nhanh chóng số hoá doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ lao động 4.0 để kịp thời đáp ứng yêu cầu mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!