Ở khu vực Nam Trung Bộ, điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh Ninh Thuận thuộc loại khắc nghiệt nhất cả nước. Địa phương này cũng không có nhiều tài nguyên thiên nhiên nổi trội để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, khiến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá chậm. Trước đây, từ Quốc lộ 1 đi thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc là con đường đất khá chật hẹp. Nhà cửa trong thôn cũng nhỏ bé, tạm bợ. Tuy nhiên, từ khi các dự án năng lượng tái tạo được triển khai, hàng loạt ngôi nhà kiên cố đã được người dân xây dựng. Nguồn vốn để làm nhà một phần là từ tiền hỗ trợ đất sản xuất nhường cho dự án. Một phần khác bền vững hơn hơn là người dân làm việc cho các nhà máy năng lượng tái tạo với mức thu nhập khá cao.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương để nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực hơn 50 dự án với tổng công suất hơn 3.600 MW. Trong đó, có nhiều dự án đã hoàn thành, phát điện thương mại. Với nhà đầu tư, khi dự án hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia mới mang lại hiệu quả, nhưng với tỉnh Ninh Thuận, ngay khi dự án bắt đầu triển khai, hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại là rất rõ rệt.
Năm 2019, lần đầu tiên, tỉnh Ninh Thuận thu ngân sách đạt mức 4.000 tỷ đồng, vượt xa Nghị quyết của đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Có thể khẳng định, các dự án năng lượng tái tạo đã và đang giúp Ninh Thuận đạt được những cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!