Mỗi khi nhìn ngắm những đóa hoa hay nhắc về hoa, nhiều người lại nghĩ ngay đến Đà Lạt. Đây là điều dễ hiểu bởi thành phố Đà Lạt đang đứng đầu cả nước về trồng hoa. Thậm chí, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tiềm năng, lợi thế của vùng hoa Đà Lạt là điều thấy rõ nhưng trên thực tế lại đang có những góc khuất đằng sau những trang trại hoa ở đây, đó là vấn đề bản quyền giống hoa.
Từ năm 1961, Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) đã ra đời. Với việc thông qua Công ước về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV), quyền sở hữu trí tuệ của người chọn tạo giống cây trồng được cộng đồng thế giới thừa nhận và bảo hộ. Do vậy, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đã trở thành một cam kết bắt buộc mà các nước cần thực hiện khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện tại, có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới. Riêng đối với ngành thương mại hoa trên thế giới, trước khi nhập khẩu sản phẩm hoa, nhiều nước xem xét nghiêm ngặt vấn đề bản quyền giống hoa. Nói cách khác, các nhà sản xuất hoa nếu không chứng minh được bản quyền sẽ không cung ứng được sản phẩm hoa ra thị trường.
Cuối năm 2006, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 63 của Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới. Lẽ ra trong 15 năm qua, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng, trong đó có giống hoa, phải được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, một thực tế hết sức đáng ngại là cho đến lúc này, nạn sao chép lậu giống hoa, khai thác chui giống hoa vẫn tiếp diễn tràn lan ở vùng trồng hoa Đà Lạt.
Ở thành phố Đà Lạt, chỉ một số doanh nghiệp sản xuất hoa quy mô lớn mới nhập giống hoa mới về trồng và phải chịu chi phí bản quyền không rẻ. Các doanh nghiệp này thường xuyên phải đối mặt với thực tế là nhập về giống hoa mới, chỉ sau một thời gian ngắn giống hoa mới đó lại xuất hiện tràn lan ở nhiều nhà vườn. Khai thác lậu giống hoa gần như là thói quen ở vùng trồng hoa Đà Lạt.
Việc sử dụng chui giống hoa cũng đồng nghĩa sản phẩm hoa mà nông dân làm ra không thể xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến cho trong 3 tỷ cành hoa mỗi năm đưa ra thị trường ở tỉnh Lâm Đồng, lượng hoa xuất khẩu chỉ chiếm 10%. Đáng lo ngại hơn, trước tình trạng vi phạm bản quyền giống hoa, không ít nhà đầu tư nước ngoài đã ngại ngần khi nhập giống hoa mới vào Đà Lạt.
Đến lúc này, nhiều nông dân vẫn rất "hồn nhiên" sử dụng giống hoa vi phạm bản quyền. Mặc dù biết nếu trồng hoa mà vi phạm bản quyền về giống thì không thể xuất khẩu, nhưng như một nghịch lý, nông dân vẫn chấp nhận cũng như họ chấp nhận quanh quẩn thị trường hoa tiêu thụ ở trong nước.
Ngoại trừ những giống đã có lâu nay, rất ít giống hoa mới được tạo ra tại Việt Nam. Phần lớn giống hoa mới có được thông qua con đường nhập khẩu với những ràng buộc về bản quyền hoặc thông qua con đường hợp tác quốc tế trao đổi nguồn gen. Việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân là con đường ngắn nhất để nông dân tiếp cận những giống hoa có bản quyền. Cũng theo cách làm này, trong 2 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã nhập gần 0,5 triệu cây giống có bản quyền của 22 chủng loại rau, hoa từ nhiều nước, từng bước tạo thói quen sử dụng giống hoa có bản quyền trong nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!