Hơn 90.000 đồng/kg lợn hơi, đây có lẽ là giá bán mơ ước của hàng triệu nông dân. Tuy nhiên, tới thời điểm này, câu chuyện giá lợn tăng lại là sự vất vả và đau đầu của nhiều người tham gia chuỗi cung ứng.
Những tiểu thương có thêm nhiều âu lo trong mỗi buổi chợ. Giá lợn tăng đồng nghĩa doanh thu của họ sẽ giảm vì hàng không bán được dù đã giảm sản lượng tới 50% từ mấy tháng trước. Còn với những tiểu thương chuyên bán sỉ tại chợ đầu mối, tình trạng cũng tương tự. Sản lượng không những giảm mà việc buôn bán cũng chẳng suôn sẻ vì dù biết giá lợn sẽ tăng nhưng họ không dự đoán được mức độ tăng, nên việc bán buôn cũng gặp nhiều trở ngại. Giờ đây, những thành viên tham gia chuỗi cung ứng thịt lợn đang mệt mỏi để chạy theo giá lợn tăng từng ngày.
Rõ ràng, giá lợn tăng giờ đây là mối quan tâm của cả hệ thống chính trị bởi với người Việt, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu và là món ăn không thể thiếu của nhiều gia đình. Tuy nhiên, khi giá cả tăng cao, nhu cầu của người dân cũng sẽ giảm bớt. Tại TP.HCM, từ 800 tấn thịt lợn tiêu thụ mỗi ngày, hiện số lượng này đã giảm khoảng 20%. Cùng với đó, nguồn cung tại vùng chăn nuôi cũng giảm 50%, nên việc giá lợn tăng chóng mặt cũng diễn ra hết sức phức tạp.
Theo Bộ NN&PTNT, đã có tình trạng giá lợn hơi bị đẩy lên cao do hiện tượng găm hàng để tạo cơn sốt ảo. Vì vậy, Bộ đã đề nghị các đơn vị tham gia thu mua lợn chủ lực trên thị trường ổn định giá, dần đưa mặt hàng này về giá trị thực. Điều này đồng nghĩa giá lợn hơi sẽ được điều chỉnh phù hợp để trở về đúng với quy luật cung cầu, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.
Hiện cả nước đã có khoảng 6 triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh, chiếm gần 10% tổng trọng lượng đàn. Do đó, giải pháp nhập khẩu thịt lợn đông lạnh để bù đắp lượng hàng bị thiếu hụt là một trong những giải pháp cấp bách trong lúc này. Đặc biệt, nguồn thịt lợn đông lạnh bán ra rẻ hơn thịt nóng được kỳ vọng sẽ giảm nhiệt thị trường thịt lợn, thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn an toàn của người dân.
Bên cạnh giải pháp bình ổn nguồn cung và giá cả, một giải pháp lâu dài đã được Bộ NN&PTNT chỉ đạo các tỉnh thành gấp rút triển khai là thực hiện tái đàn hiệu quả. Theo đó, các địa phương có nguồn cung chủ lực của thị trường tập hợp các doanh nghiệp có năng lực tái đàn để tạo nguồn cung lâu dài cho thị trường. Cũng theo Bộ NN&PTNT, các nguồn hàng thay thế đã được Bộ triển khai quyết liệt, giúp bình ổn thị trường thịt lợn và về lâu dài để tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, cân đối lại cung cầu cho thị trường.
Có thể thấy, các giải pháp bình ổn thị trường của doanh nghiệp và nhà quản lý đã và đang được thực hiện gấp rút, khẩn trương. Với những giải pháp trên, người dân hy vọng Tết Nguyên đán này sẽ có được giá thịt lợn ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!