Nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Phượng dù đã quá ngũ tuần nhưng giọng ca vẫn rất trong trẻo, cùng đôi tay thoăn thắt theo nhịp máy dệt. Vừa dệt chiếu - vừa ca cổ. Đây là cách mà những nghệ nhân ở làng nghề Long Cang thổi hồn vào từng sản phẩm của mình. Một đôi chiếu sau khi trừ chi phí thì chỉ còn lời được khoảng 20 ngàn đồng. Nhưng với nhiều nghệ nhân, nghề dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nghề truyền thống họ mong mỏi được bảo tồn. Theo các nghệ nhân thì nghề dệt chiếu không quá khó nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và đan lác thành chiếu. Dệt chiếu có 2 phương pháp cơ bản là dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Những loại chiếu này vốn nức tiếng khắp vùng Nam Bộ một thời bởi tính công phu, độ bền và thẩm mỹ. Nhưng giờ cũng chẳng còn được mấy người mặn mà.
Do quy hoạch phát triển công nghiệp nên diện tích đất trồng lác để dệt chiếu trong xã hiện chỉ còn 14ha, người dệt chiếu phải mua thêm nguyên liệu ở các vùng khác. Hình ảnh những bó lác hay những chiếc chiếu hoa phơi bên đường dần ít đi, tiếng cót két của khung dệt cũng dần thưa. Thậm chí ở nhiều nhà, chiếc khung dệt đóng bụi mờ, thay vào đó là những chiếc máy dệt bán thủ công. Làng nghề hầu như chỉ còn những người lớn tuổi. Còn những người trẻ phần lớn vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Dù biết là rất khó nhưng những nghệ nhân lớn tuổi này vẫn luôn mong một ngày nào đó, những người trẻ sẽ quay lại gắn bó với nghề. Nơi mà họ đã gắn bó cả cuộc đời, và cũng là nơi có sản phẩm truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!