Trái cây Việt Nam từ lâu nay chủ yếu là xuất tươi và cũng chỉ dừng lại khoảng 10 loại trái, quả. Trong khi đó, nếu chế biến, giá trị nông sản cao hơn gấp 3 - 4 lần, đồng thời giải quyết được tình trạng được mùa mất giá. Đã có lúc thanh long bị đổ bỏ cho bò ăn, nho trên giàn không được hái vì giá thuê nhân công cao mà giá thành phẩm quá thấp. Hoặc có những thời điểm diện tích quả hồng bị thu hẹp do giá cả bấp bênh. Tưởng chừng những khó khăn đó sẽ bó buộc người trồng, nhưng rồi họ vẫn tìm ra được hướng đi cho chính mình.
Là thủ phủ của thanh long, tỉnh Bình Thuận đứng đầu cả nước về diện tích trồng với khoảng 29.000ha. Sản lượng thanh long vì thế cũng đạt con số khá cao với 600.000 tấn/năm. Ngoài xuất chủ yếu sang Trung Quốc, thanh long Bình Thuận đã dần có mặt tại một số nước khó tính như: Mỹ, Australia, New Zealand… và khẳng định được chất lượng của loại quả đặc hữu ở vùng Nam Trung Bộ.
Với mong muốn có thêm người tiêu dùng thưởng thức trọn vẹn hương vị của thanh long Bình Thuận, nhiều nhà vườn đã tìm cách tiếp cận công nghệ, giúp khách hàng trải nghiệm một cách tiện lợi và hiệu quả nhất hương vị của thanh long. Thanh long sấy dẻo có thể xem là món ăn nhẹ đầy dinh dưỡng, phù hợp cho mọi lứa tuổi và những chuyến du lịch xa bởi được đóng gói nhỏ gọn, thời gian bảo quản lâu hơn trái tươi. Đó cũng là cách giúp người trồng có thêm thu nhập bởi giá trị thanh long được nâng cao.
Cùng chung cảnh ngộ với quả thanh long Bình Thuận, từ diện tích 1.800ha, đến năm 2015, diện tích hồng Đà Lạt chỉ còn khoảng 1.500ha, trong khi đây là loại trái cây địa phương đã tồn tại hơn 60 năm qua. Đây cũng là điều dễ hiểu khi thu nhập của người trồng quả hồng chỉ bằng 1/10 so với thu nhập của người trồng rau. Trăn trở trước sự biến mất của quả hồng, nhiều cá nhân đã tìm đến công nghệ chế biến của Nhật Bản và làm nên thành công. Giá thành hồng treo cao gấp 3 - 4 lần hồng sấy truyền thống và vẫn giữ được mức giá ổn định trên thị trường trong nhiều năm nay. Hơn 20 tấn hồng thành phẩm mỗi năm của cơ sở vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.
Lượng nông sản được đưa vào chế biến ở nước ta hiện chưa đến 10% sản lượng hàng năm. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2030 là chế biến nông sản đạt trên 30% GDP ngành nông nghiệp. Sẽ là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp và nhà nông nếu con số này không được tăng tốc mạnh. Và để làm được điều này cần những cơ chế cụ thể và các giải pháp lâu dài cho chế biến nông sản sau thu hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!