2 ca bệnh mới tại TP.HCM là bệnh nhân số 449 và bệnh nhân số 450. Trong đó bệnh nhân số 449 là nam, quốc tịch Mỹ, hiện đang sống tại Đà Nẵng. Trước đó, bệnh nhân đã sốt, ho, khó thở, đau mình và nhập viện Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Từ ngày 6/7/2020 đến 20/7/2020, bệnh nhân chuyển điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 20/7/2020, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ngày 21-27/7/2020, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM, với những triệu chứng nghi ngờ bệnh nhân được chuyển vào phòng áp lực âm và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với COVID-19. Bệnh nhân 450 là nữ, là người chăm sóc bệnh nhân 449. Ngày 26/7/2020, bệnh nhân có triệu chứng sổ mũi, mỏi cơ, mệt mỏi, được lấy mẫu xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính với COVID-19.
Hiện tại, cả 2 ca bệnh đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cách ly, điều trị. Cùng với đó, ngành y tế TP.HCM cũng đã thực hiện thống kê các đối tượng tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân này. Bước đầu đã lấy mẫu đối với 147 trường hợp, 121 mẫu âm tính, 26 mẫu đang chờ kết quả, 1 mẫu đang được cập nhật. Sự nhanh chóng này cho thấy, ngành y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh phòng ngừa COVID-19.
Ngay sau khi bệnh nhân 449 và bệnh nhân 450 khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quốc tế City, quận Bình Tân, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi bệnh viện. Theo đó, Bệnh viện Quốc tế City tạm ngưng khám và tiếp nhận điều trị người bệnh nội trú mới để rà soát, đánh giá toàn bộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong bệnh viện, dự kiến tạm ngưng trong vòng ba ngày, từ 29/7.
Theo thống kê, TP.HCM hiện có 47 bệnh viện thì toàn bộ đều có khu cách ly điều trị, kể cả bệnh viện Thành phố, bệnh viện quận huyện và bệnh viện tư nhân. Khi xuất hiện 2 ca bệnh mới, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải cập nhật thêm trong phần khai báo y tế yếu tố dịch tễ có đi Đà Nẵng từ ngày 1/7 hay không. Đồng thời kích hoạt lại 2 bệnh viện chuyên trách điều trị COVID-19 là bệnh viện dã chiến Củ Chi và bệnh viện tại Cần Giờ.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, tuy các bệnh viện đều có khu cách ly, nhưng không phải bệnh viện nào cũng đủ khả năng. Đối với những bệnh viện còn khó khăn hoặc phòng khám, Sở Y tế Thành phố không yêu cầu phải có khu cách ly nội trú, mà chỉ cần tại khu sàng lọc, có phòng cách ly tạm. Nếu có nghi ngờ, Thành phố sẽ huy động trung tâm cấp cứu 115 để vận chuyển những đối tượng nghi nhiễm từ các cơ sở này đến các bệnh viện khác.
Sau ngành y tế, các ngành khác của TP.HCM cũng đã vào cuộc quyết liệt. 2 ngành có thể kể đến là ngành du lịch và hệ thống giao thông công cộng. Đây là một trong những ngành có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện phòng chống dịch có hiệu quả hay không.
Ngay khi dịch bệnh quay trở lại, ngành giao thông TP.HCM đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống dịch. Trong đó việc đeo khẩu trang tại khu vực bến xe, nhà chờ và trên các phương tiện giao thông công cộng là bắt buộc, đối với cả hành khách và các nhân viên vận tải.
Với việc tăng cường hệ thống y tế giám sát, sự vào cuộc nhịp nhàng của ngành khác, công tác phòng chống dịch của TP.HCM đã và đang được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, phần nào tạo được sự yên tâm cho người dân. Dù diễn biến của dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, nhưng theo đánh giá từ đại diện Sở Y tế TP.HCM và cả Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, chưa đặt vấn đề cách ly xã hội ngay với TP.HCM.
Vào thời điểm này, sự bình tĩnh là điều mà chúng ta có thể làm để giúp ích cho ngành y tế. Bình tĩnh đón nhận mọi thông tin và tìm hiểu kỹ càng trước những thông tin đó. Bình tĩnh hợp tác để công tác phòng chống dịch được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất. Đây không phải là lần đầu tiên, Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn trong phòng chống dịch COVID-19. Với quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ thêm một lần nữa cùng nhau vượt qua đại dịch nguy hiểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!