Cấp cứu thành công một trường hợp sốc phản vệ nguy kịch tại phòng mổ

P.V, icon
01:16 ngày 05/08/2018

VTV.vn - Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cấp cứu thành công cho một nam bệnh nhân 61 tuổi bị sốc phản vệ.

Các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân bị sốc phản vệ.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán: nốt đơn độc thùy giữa phổi phải. Bệnh nhân có tiền sử không rõ ràng về dị ứng kháng sinh ampicillin từ lâu nhưng vẫn được dùng kháng sinh đường tiêm nhiều đợt không thấy bất thường.

Bệnh nhân được sinh thiết khối u phổi phải, gây mê nội khí quản, phẫu thuật thuận lợi, an toàn. Trong 14 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh điều trị.

Ngày 23/7, các bác sĩ dự kiến phẫu thuật cắt thùy giữa phổi phải cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chuẩn bị mổ thường quy, lên phòng mổ trong tình trạng tỉnh táo, không khó thở. Quá trình khởi mê sử dụng: Fentanyl x 0,15mg, Propofol x 90 mg TCI, Atracurium x 40mg. Sau khi bệnh nhân ngủ, dùng kháng sinh Goldcefo 2g pha 20ml tiêm chậm tĩnh mạch. Ngay sau tiêm được 0,5 gam kháng sinh Goldcefo, bệnh nhân xuất hiện ban sẩn cánh tay vùng tiêm thuốc, vùng ngực, co thắt khí phế quản, tăng tiết đờm dãi, tím tái, da vân đá, huyết áp tụt không đo được, nhịp tim rời rạc rồi nhanh chóng ngừng tim. Nhận định bệnh cảnh của sốc phản vệ mức độ nguy kịch, kíp gây mê hồi sức lập tức tiến hành cấp cứu.

Các bác sĩ ngừng tiêm kháng sinh, đặt nội nội khí quản thở máy oxy 100%, tiêm 1mg Adrenalin đường tĩnh mạch, sau đó duy trì bơm tiêm điện liều 0,3 - 1mcg/kg/phút, điều chỉnh liều theo đáp ứng của huyết áp. Đồng thời, tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực; tăng tốc độ dịch truyền, Solu medrone 80mg tiêm tĩnh mạch, hạ đầu thấp.

Sau khoảng 10 phút, bắt được mạch cảnh, mạch bẹn, dùng máy siêu âm thiết lập được các đường truyền. Theo dõi trên phòng mổ khoảng 1 giờ, bệnh nhân được để ống nội khí quản thở máy, duy trì an thần bảo vệ não, chuyển Khoa Hồi sức tích cực tiếp tục điều trị.

Tại đây, bệnh nhân được giảm dần liều vận mạch và dừng sau 12 giờ, rút nội khí quản sau 14 giờ, bệnh nhân tỉnh táo, không khó thở, huyết động trong giới hạn bình thường.

Qua trường hợp này, các bác sĩ lưu ý: cần hết sức thận trọng trong việc dùng nhiều lần thuốc có khả năng gây dị ứng cũng như hoàn thiện củng cố kỹ thuật xử trí sốc phản vệ cho cán bộ nhân viên y tế thường xuyên và cập nhật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục