Khi chạy trốn dịch bệnh là điều không tưởng!

Diệu Linh (Trung tâm Tin tức VTV24), icon
10:39 ngày 05/03/2020

VTV.vn - Có hơn 100 bệnh nhân ở khoa tâm thần Bệnh viện Daenam (Hàn Quốc) nhiễm virus Corona.

Theo Washington Post, đối với công chúng Hàn Quốc, quyết định phong toả khoa tâm thần là một quyết định gây tranh cãi, phạm vào vấn đề đạo đức và cả hiệu quả phòng chống dịch COVID-19.

Cửa sổ đóng kín và thảm họa lây lan virus tại khoa tâm thần ở Hàn Quốc

Tại khoa tâm thần của Bệnh viện Daenam ở Hàn Quốc, các cửa sổ được đóng kín mít để ngăn bệnh nhân có ý định tự tử. Các bệnh nhân ngủ chung phòng trên các tấm nệm cạnh nhau.

Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào bên trong khoa tâm thần, các quan chức bệnh viện Daenam và cơ quan y tế Hàn Quốc đứng trước quyết định đầy khó khăn. Họ buộc phải phong tỏa khoa này với hơn 100 bệnh nhân bên trong, như một nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Khi chạy trốn dịch bệnh là điều không tưởng! - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngủ chung phòng trên các tấm nệm. Ảnh: Trung tâm Y tế Quốc gia Hàn Quốc.

Trong số 5.186 bệnh nhân nhiễm virus gây dịch COVID-19 ở Hàn Quốc (tính đến sáng 4/3), có 101 bệnh nhân ở khoa tâm thần Bệnh viện Daenam, nằm ở huyện Cheongdo, tỉnh Gyeongsang Bắc – một tâm điểm mới bùng phát dịch COVID-19 tại Hàn Quốc.

7 người trong khoa này đã tử vong. Chỉ còn lại 2 bệnh nhân chưa nhiễm bệnh.

Quyết định gây tranh cãi

Theo The Washington Post, đối với công chúng Hàn Quốc, quyết định phong toả khoa tâm thần là một quyết định gây tranh cãi, phạm vào vấn đề đạo đức và cả hiệu quả phòng chống dịch. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh giới chức Hàn Quốc cam kết không đi theo cách đối phó dịch bệnh của Trung Quốc là phong tỏa diện rộng các thành phố. 

Thế nhưng một lựa chọn khó khăn vẫn phải được đưa ra trong tình thế cấp bách như vậy. Vụ bùng phát dịch COVID-19 tại Bệnh viện Daenam cũng phản ánh thách thức mà các cơ sở y tế, viện dưỡng lão và các cơ sở nội trú khác gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.

Khi chạy trốn dịch bệnh là điều không tưởng! - Ảnh 2.

Vụ bùng phát dịch COVID-19 tại Bệnh viện Daenam cũng phản ánh thách thức mà các cơ sở y tế, viện dưỡng lão và các cơ sở nội trú khác gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh lây lan

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 27/2 đã tuyên bố sẽ chuyển các bệnh nhân ra khỏi khoa tâm thần của Bệnh viện Daenam – một quyết định "rất khổ tâm", theo lời ông Jung Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).

Nhưng ông Jung cũng nói đây là điều bất khả kháng, vì khó tìm được nơi nào vừa điều trị virus SARS-CoV-2, vừa điều trị những rối loạn tâm thần của các bệnh nhân.

Dù vậy, việc phong tỏa khoa tâm thần vẫn đối mặt với nhiều chất vấn. Bởi một khoa nội trú như vậy là môi trường thuận lợi cho virus lây lan, theo đánh giá của Uỷ ban các bác sĩ từ Trung tâm Y tế Quốc gia Hàn Quốc (NMC)

Báo cáo từ giới chuyên môn

Báo cáo công bố ngày 26/2 của Uỷ ban cho biết tình trạng các cửa sổ bị đóng hoàn toàn đã khiến không khí không thể lưu thông. Nước khử trùng tay không thể đặt ra ngoài vì các bệnh nhân có thể sẽ uống. Để theo dõi bệnh nhân liên tục, nhà vệ sinh còn không được chia ngăn.

"Một khi virus vào được trong khu vực kín, nó sẽ lây lan rất dễ dàng", Lee So-hee, bác sĩ tâm lý từ NMC, chia sẻ với các phóng viên. "Các bệnh nhân nội trú vốn đã có hệ miễn dịch suy giảm nên việc nhiễm virus có thể sẽ ảnh hưởng nặng tới họ".

Baik Jae-joong, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Green ở Seoul, cho rằng giới chức y tế lẽ ra không nên "khóa" các bệnh nhân nhiễm bệnh bên trong như vậy.

"Về cơ bản là họ đã bị bỏ mặc cho chết ở trong đó", Baik nói. "Bệnh nhân bị cách ly trong chính môi trường đã làm họ nhiễm bệnh. Đó là thảm họa về y học và điều cấm kị về y đức".

Kim Sung-yeon, Giám đốc của tổ chức Đoàn kết Chống Kỳ thị Người khuyết tật, kể về trường hợp một bệnh nhân tại Daenam "chỉ được giải thoát khỏi khoa tâm thần bằng chính cái chết" sau 20 năm ở trong viện. Ông Kim nói bệnh nhân này chỉ còn nặng 42 kg lúc ra đi.

Kwon Jun-wook, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết các bệnh nhân nhiễm virus corona tại Bệnh viện Daenam tử vong trong do tình trạng sức khoẻ kém vì đã phải nhập viện lâu. Theo KCDC, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Daenam hiện tại 119 người, bao gồm cả nhân viên y tế.

Khi chạy trốn dịch bệnh là điều không tưởng! - Ảnh 3.

Thủ lĩnh giáo phái Tân Thiên Địa Lee Man-hee quỳ gối, gập đầu xin lỗi trong cuộc họp báo tại quận Gapyeong, tỉnh Gyeonggi hôm 2/3

Bệnh viện Daenam cho biết vẫn đang điều tra xem bằng cách nào virus đã xâm nhập vào khu tâm thần vốn luôn khóa chặt như vậy. Được biết, em trai của người sáng lập giáo phái Tân Thiên Địa đã qua đời tại bệnh viện vào tháng trước và tang lễ của ông được tổ chức tại tầng hầm của bệnh viện vào ngày 2/2. Truyền thông địa phương cho biết các thành viên bị nhiễm virus của giáo phái này đã đến bệnh viện dự tang lễ. Giáo phái Tân Thiện Địa có liên quan đến gần một nửa số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc. Các bệnh nhân khoa tâm thần của bệnh viện bắt đầu có triệu chứng liên quan tới virus Corona vào khoảng giữa tháng 2, theo thông cáo.

Giờ đây, những bệnh nhân nội trú vốn không đủ ý thức để quyết định về điều kiện sinh hoạt, cách ly sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định từ phía Bệnh viện Daenam. Tự do chạy trốn dịch COVID-19 đối với họ hoàn toàn là điều không tưởng.

Tự do quyết định, nhưng vẫn không thể tự do chạy trốn virus

Thế nhưng, kể cả đối với những người đầy đủ ý thức về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 thì việc tự do chạy trốn dịch COVID-19 vẫn là 1 điều quá "xa xỉ" khi họ phải giằng co đánh đổi giữa an toàn và miếng cơm manh áo.

Nghỉ ngơi ở nhà nếu bạn bị ốm. Đi khám bệnh ngay khi có triệu chứng. Sử dụng phòng tắm riêng với những người mà bạn sống cùng. Chuẩn bị cho trường hợp các trường học đóng cửa và làm việc ở nhà. Đó là những biện pháp mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã khuyến nghị nhằm kiểm soát sự bùng phát của virus tại nước này. 

Khi chạy trốn dịch bệnh là điều không tưởng! - Ảnh 4.

Việc tự do chạy trốn dịch COVID-19 vẫn là 1 điều quá "xa xỉ" khi giằng co đánh đổi giữa an toàn và miếng cơm manh áo

Về lý thuyết những biện pháp này đều hợp lý, thế nhưng nó chỉ dễ thực hiện với một nhóm người, đặc biệt là các chuyên gia có thu nhập cao. Ngược lại, đối với đã số những người làm trong ngành dịch vụ như nhà hàng, bán lẻ, nhà trẻ hay những công việc từ nền kinh tế chia sẻ như lái xe công nghệ, thì đây lại là những điều không tưởng. Họ ít có khả năng được chi trả cho những ngày nghỉ ốm đau, làm việc từ xa hay được hưởng chế độ bảo hiểm sức khoẻ từ công ty thuê họ.

Sự chênh lệch về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế

Sự chênh lệch lớn nhất trong các tầng lớp lao động là khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Sự chênh lệch này tại Mỹ bị chi phối chủ yếu bởi 3 yếu tố: thu nhập, giáo dục và chủng tộc.

Tại Mỹ, khoảng 27,5 triệu người lao động không có bất kỳ hình thức bảo hiểm y tế nào. Điều này hạn chế khả năng tìm kiếm nơi khám chữa bệnh khi họ cần và không có được hưởng các quyền lợi phòng ngừa sức khoẻ giúp họ ngăn chặn bệnh tật. Những người không có bảo hiểm đều rơi vào những người có thu nhập thấp.

"Rất nhanh thôi, dịch bệnh sẽ lây lan vô cùng nhanh chóng ở những cộng đồng nghèo hơn là những nhóm giàu có. Họ là đối tượng dễ bị tấn công hơn bởi dịch bệnh" – Tiến sĩ James Hadler, nhà nghiên cứu dịch tễ học bang Connecticut và hiện đang là cố vấn cho nhà nước.

Sự chênh lệch về khả năng làm việc từ xa

Những tầng lớp lao động cũng không bình đẳng trong vấn đề làm việc từ xa. Chính phủ khuyến nghị mọi người làm việc tại nhà trong đợt bùng phảt virus corona nhưng chỉ 29% công nhân Mỹ có thể làm như vậy, theo dữ liệu của Bộ Lao động nước này. Và họ đều là những người có trình độ học vấn cao và thu nhập cao.

Đối với nhiều người lao động, ốm có nghĩa là lựa chọn giữa ở nhà hoặc được trả tiền. ¼ số người lao động không được hưởng chế độ nghỉ phép có lương, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ. Chỉ 60% nhân viên ngành dịch vụ có thể được nghỉ làm khi bị ốm và họ lại chính là những người có nhiều khả năng mắc bệnh nhất do phải tiếp xúc với nhiều người.

Khi chạy trốn dịch bệnh là điều không tưởng! - Ảnh 5.

Sự chênh lệch về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh

"Nói về việc nghỉ phép có lương thì những người ốm và cần được hưởng chế độ ấy nhất lại chính là những người không có quyền ấy. Những nhân viên bị bệnh vẫn xuất hiện tại nơi làm việc, chạm vào thức ăn của bạn, chạm vào túi xách của bạn và tiếp xúc với bạn mỗi ngày."- Kris Garcia, nhân viên sân bay tại Denver.

"Rõ ràng khi không được nghỉ phép có lương, họ vẫn sẽ đi làm và lây lan bệnh tật."- Nicolas Ziebarth, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell.

Văn hóa làm việc cũng có thể khiến việc tự do chạy trốn dịch bệnh trở nên "xa xỉ" hơn

Thế nhưng ngay cả khi có quyền được hưởng nghỉ phép có lương thì đối với một số người, điều này vẫn là "xa xỉ". Tư duy này bị chi phối bởi văn hoá làm việc của Mỹ, vốn thường thưởng cho việc đi làm bằng mọi giá. Vậy nên chế độ nghỉ phép hưởng lương cũng không có ý nghĩa khi người lao động không dùng đến nó. 

Trong một tháng trung bình, cứ 10 người công nhân thì có 1 người chia sẻ rằng họ cần nghỉ phép vì bệnh tật nhưng lại không thể làm thế. Những lý do cửa miệng luôn là "còn quá nhiều việc để làm, lo sợ hậu quả tiêu cực của việc nghỉ làm hoặc không đủ khả năng chi trả để có một ngày nghỉ".

Nguồn:

- The NewYork Times

- The Washington Post

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục