Thay đổi thói quen để phòng bệnh thoái hóa cột sống

Tuấn Bảo, icon
10:05 ngày 11/10/2018

VTV.vn - Do nhiều thói quen xấu trong quá trình vận động, làm việc cùng với chế độ ăn uống không hợp lý nên hiện nay, bệnh thoái hóa cột sống đang trở nên rất phổ biến.

Hình minh họa (Ảnh: atimes)

Bệnh thoái hóa cột sống không sớm điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, đi lại của người bệnh. Do đó, để phòng tránh bệnh, chúng ta cần thay đổi những thói quen xấu để đảm bảo cột sống luôn khỏe mạnh.

Thoái hóa cột sống mặc dù là bệnh lý khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách phòng ngừa ngay từ sớm. Đến khi bệnh xuất hiện và kéo theo nhiều biến chứng thì quá trình điều trị trở nên tốn kém và bệnh trở nên phức tạp hơn. Theo thống kê của Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2017 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 300 bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến cột sống.

Bác sĩ Bùi Văn Hinh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Đắk Lắk cho biết: thoái hóa là quá trình tự nhiên của xương khớp theo thời gian làm suy giảm chức năng của các bộ phận trên cơ thể, kể cả cột sống. Theo thời gian, vận động xương và sụn khớp bị tổn thương, khả năng chịu lực yếu dần. Thoái hóa cột sống sẽ tiến triển nặng dần theo tuổi tác và khi có sự tác động của một số yếu tố nguy cơ như: lao động nặng, mang vác quá sức hoặc lao động ngay từ nhỏ, quá sớm; tập luyện quá độ, không đúng phương pháp; ngồi quá nhiều hoặc làm việc luôn trong một tư thế, ít thay đổi; tăng cân mất kiểm soát hoặc do ăn uống không đủ chất.

Khi mắc bệnh, tùy theo vị trí tổn thương nhưng thường gặp là đốt sống cổ và thắt lưng, người bệnh sẽ thấy xuất hiện triệu chứng cứng cổ, rối loạn tiền đình, đau cánh tay, tê bàn tay và hạn chế vận động cổ, vai, cánh tay, đau dây thần kinh vai gáy, đau dây thần kinh tọa. Do dây thần kinh bị chèn ép, nếu nặng bệnh nhân có thể bị liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.

Để phòng tránh bệnh thoái hóa cột sống, mọi người cần thay đổi những thói quen không tốt thường ngày. Đầu tiên, trong chế độ ăn uống, cần uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D từ các thực phẩm như sữa, phomat, cá hồi, súp lơ, gan, thịt, cá, ngũ cốc, trứng…, ăn nhiều các loại hạt và các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, hạn chế các loại đồ uống có chất kích thích. Nên kiểm soát cân nặng bởi trọng lượng cơ thể tăng lên, cột sống sẽ chịu nhiều áp lực, gây tổn thương. Khi lao động, để tránh những tư thế bất thường gây tổn thương cột sống, không nên nhấc vật quá nặng hoặc mang vác quá sức trên vai.

Với những người làm việc văn phòng đòi hỏi phải ngồi nhiều, cứ 30 - 60 phút nên đứng dậy đi lại một lần, thay đổi tư thế, khởi động cơ thể bằng vài động tác vươn vai. Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, tuyệt đối không ngồi ỳ bên máy tính trong thời gian dài.

Tập thể dục thường xuyên cũng là cách làm tăng lưu lượng máu và oxy đến các vùng trên xương sống, hỗ trợ vận chuyển các chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp duy trì tính linh hoạt của cột sống. Khi ngủ, tránh nằm ở 1 tư thế quá lâu, không nằm sấp khiến cổ bị gập xuống, không kê gối quá cao dễ dẫn đến nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục