Chưa đầy 1 tháng nữa, chương trình THTT "Tết nghĩa là hy vọng" – một chương trình thường niên có tính nghệ thuật cao của Ban Thanh thiếu niên – Đài Truyền hình Việt Nam sẽ lên sóng trực tiếp. Đây là chương trình được truyền hình trực tiếp đúng vào đêm Giao thừa ngày 30 Tết để đón chào năm mới Kỷ Hợi cùng khán giả cả nước. Thời điểm này, những công việc chuẩn bị đang đi vào giai đoạn gấp rút để hoàn tất các linh kiện ghi hình. Đặc biệt, trong chương trình có màn trình diễn bộ sưu tập áo dài cổ được phục dựng từ công nghệ 3D của nhà thiết kế Thủy Nguyễn. MV màn trình diễn đặc biệt này được ghi hình tại không gian quần thể hang động Tràng An – Ninh Bình như một màn hòa tấu đặc sắc giữa con người với thiên nhiên và trời đất tạo nên cảnh sắc Khúc giao hòa ngày xuân vào thời khắc chuyển giao sang năm mới Kỷ Hợi. Phóng viên (PV) của chương trình đã có cuộc phỏng vấn NTK Thủy Nguyễn về bộ sưu tập áo dài cổ sẽ xuất hiện trong chương trình “Tết nghĩa là hy vọng”.
PV: Xin chào NTK Thủy Nguyễn! Được biết chị sẽ có một bộ sưu tập áo dài cổ trình diễn trong "Tết nghĩa là hy vọng" do Ban Thanh thiếu niên sản xuất. Ngay khi nhận được lời mời của Ban tổ chức chương trình, Thủy Nguyễn đã có suy nghĩ gì và cảm xúc của chị lúc đó?
Thủy Nguyễn: Được góp phần nhỏ bé của mình trong chương trình đón chào năm mới vào giây phút giao thừa, Thủy cảm thấy rất xúc động vì đây là giây phút cả nước chung một niềm vui – đón chào thời khắc thiêng liêng đưa tiễn năm cũ và chào đón niềm hy vọng trong năm mới.
PV: Thủy Nguyễn có thể bật mí ý tưởng của bộ sưu tập áo dài này xuất phát từ đâu? Ý tưởng này có liên quan gì đến chủ đề "Tự hào" của chương trình "Tết nghĩa là hy vọng" năm nay?
Thủy Nguyễn: Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc – mùa của những đôi uyên ương kết duyên vợ chồng. Tất cả những kí ức về một mùa Tết đến với hoa đào, hoa mai, hoa sen với tất cả mùi hương của vạn vật nở hoa kết trái – niềm tự hào về một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến có lịch sử lâu đời là nguồn cảm hứng cho tất cả các bộ sưu tập của Thủy. Tất cả những họa tiết – hội họa – câu chuyện – kĩ thuật truyền thống của Việt Nam đều mang đến cho Thủy niềm tự hào và Thủy muốn góp sức mình vào sự giữ gìn cũng như phát triển, hội nhập văn hoá Việt Nam với thế giới.
PV: Những chất liệu sử dụng trong bộ sưu tập áo dài cổ này là gì? Thủy Nguyễn đã lựa chọn những chất liệu đó dựa trên những yếu tố nào?
Thủy Nguyễn: Thủy Nguyễn được mệnh danh là "Người đàn bà Gấm". Xưa nay Gấm và Lụa là hai chất liệu gắn liền với Thủy từ ngày mới vào nghề. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là vùng đất trung tâm ngàn năm văn hiến – những gì tinh hoa được giữ gìn ở đây và chất liệu truyền thống từ những làng nghề đã ngấm sâu vào con người Thủy. Như không thể cưỡng lại được, chất liệu truyền thống cứ thế tuôn chảy hòa quyện vào các tác phẩm cũng như luồng suy nghĩ của Thủy. Và bộ sưu tập này cũng không nằm ngoài vòng xoay quy luật đó.
PV: Tại sao Thủy Nguyễn lại lựa chọn công nghệ 3D để phục dựng bộ áo dài cổ này? Ưu điểm của công nghệ này là gì? Hạn chế của nó như thế nào?
Thủy Nguyễn: Lúc nào Thủy cũng mong muốn mang vẻ đẹp truyền thống gần gũi hơn với giới trẻ, cập nhật các xu hướng thời trang thế giới bằng các công nghệ mới để hấp dẫn các bạn trẻ trong việc tiếp thu và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, nhưng vẫn thể hiện được sự hội nhập của tương lại. Và đây là lí do Thủy lựa chọn công nghệ 3D để phục dựng lại bộ áo dài cổ này.
PV: Việc chuẩn bị cho màn trình diễn bộ sưu tập áo dài cổ này mất bao nhiêu thời gian?
Thủy Nguyễn: Bộ sưu tập từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc đưa vào sản xuất và thực hiện mất khoảng hai tháng.
PV: Thông điệp Thủy Nguyễn muốn truyền tải tới khán giả qua màn trình diễn ấn tượng này?
Thủy Nguyễn: Giữ Tết truyền thống – Sống Tết hiện đại. Gìn giữ giá trị dân tộc – gìn giữ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống và cùng hội nhập đến một xã hội hiện đại.
PV: Còn điều gì Thuỷ Nguyễn muốn chia sẻ với khán giả của "Tết nghĩa là hy vọng"?
Thủy Nguyễn: Người phương Tây thì kết thúc Tết vào ngày 31/12, còn người phương Đông theo lịch mặt trăng chúng ta có những quan niệm khác. Tết không phải là kết thúc – là ngày lễ ngày hội – ngày gia đình tụ họp chia sẻ chuyện cũ để hy vọng cho một năm mới. Tết là ngày lễ tưởng nhớ ông bà. Tết là những màu những mùi của văn hóa quê hương. Thủy xin có lời nhắn nhủ gửi tới các bạn: dù ở đâu – Tết vẫn ở trong tim bạn, hãy gìn giữ nó – đó chính là trái tim – con người mình.
PV: Cảm ơn NTK Thuỷ Nguyễn đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Xin hẹn gặp lại chị trong chương trình "Tết nghĩa là hy vọng" được THTT vào tối 30 Tết trên sóng của VTV!
Thuỷ Nguyễn - tên thật là Nguyễn Thu Thuỷ, sinh năm 1981. Trước khi thành danh trong ngành thiết kế thời trang, Thuỷ Nguyễn đã từng là một hoạ sĩ nổi tiếng. Gần đây nhất, những thiết kế áo dài của Thuỷ Nguyễn đã góp phần làm nên một nhân vật Như Ý rất ấn tượng trong phim "Cô Ba Sài Gòn" của đạo diễn Ngô Thanh Vân. Những mẫu thiết kế thời trang của Thuỷ Nguyễn tinh tế, hiện đại nhưng cũng rất truyền thống.
Tết Nghĩa Là Hy Vọng được phát sóng lúc 22h30 ngày 04/02/2019 (tức 30 Tết) trên VTV. Chương trình được thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!