Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức có lượng người di cư đông nhất.
Vài năm trở lại đây, số lượng du học sinh cũng như người Việt trẻ trở về nước lập nghiệp đang tăng dần. Theo tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader, nhiều người vẫn mong muốn về Việt Nam để đón đầu cơ hội ở những ngành nghề mới nổi như chuỗi cung ứng, công nghệ, tài chính, giáo dục hoặc khởi nghiệp. Còn Robert Walters – một công ty hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao – sau 2 năm triển khai chiến dịch "Come Home Phở Good" đã kết nối với hơn 5.000 nhân sự người Việt ở nước ngoài, trong đó, có 1.200 người chia sẻ mong muốn quay trở về quê hương để làm việc. Không ít cá nhân sau khi quyết định về nước đã xây dựng được sự nghiệp và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.
Cất cánh tháng 12 với chủ đề "Đi để trở về" sẽ có những vị diễn giả với câu chuyện vô cùng hấp dẫn.
Đạo diễn Leon Quang Lê -diễn viên nhạc kịch gốc Việt ở sân khấu Broadway(Mỹ). Leon đã trở về Việt Nam để thỏa mãn giấc mơ nghệ thuật trên đất mẹ.
Sang Mỹ định cư từ năm 13 tuổi Leon Quang Lê đã phải vật lộn với việc mưu sinh thường ngày, nhưng tình yêu nghệ thuật trong con người anh đã dẫn dắt anh đến New York – mảnh đất màu mỡ về điện ảnh. Với cội rễ Việt luôn bám chặt trong trái tim, anh quyết định trở về quê hương mang giá trị mình học được tiếp lửa nghệ thuật nước nhà.
Leon Quang Lê từng dành nhiều giải thưởng như: phim hay nhất và Đạo diễn phim xuất sắc nhất hạng mục Phim tranh giải quốc tế, Phim hay nhất về đề tài đồng tính, song tính và chuyển giới tại tiệc phim YxineFF năm 2012. Đây là minh chứng rõ rệt nhất cho khả năng sáng tạo đầy cá tính của Leon Quang Lê. Cho đến năm nay, Leon chính thức trình làng điện ảnh Việt tác phẩm Song Lang nhân kỉ niệm 100 năm sân khấu cải lương.
Cải lương là mối tình đầu từ thuở bé của chàng nghệ sĩ kịch Broadway khi được nghe ông bà, bố mẹ ca những lời thấm thía. Tình yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này chảy tràn trong máu thịt anh, và sự "trở về" lần này của Leon đã mang tình yêu đó thành sự gìn giữ đầy trân quý với hồn dân tộc.
Doanh nhân Đào Thị Hằng – Hằng mắm ruốc. Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Australia, tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ, nhưng Đào Thị Hằng quyết định từ bỏ để trở về quê nhà Quảng Trị cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan: "Tôi luôn đặt câu hỏi mình sống trong đời để làm gì? Danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người với tôi còn quan trọng hơn".
Chị Nguyễn Thu Thảo(giữa)
Cái tên Thảo Griffiths(Nguyễn Thu Thảo) đã trở thành quen thuộc với giới ngoại giao Mỹ tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao chị Thảo khiến gia đình ngỡ ngàng khi quyết định trở về Hà Giang làm trợ lý cố vẫn kỹ thuật cho tổ chức UNDP liên quan đến giáo dục, sức khỏe, nông nghiệp tại quê hương. Năm 2001 chị Thảo nhận học bổng thạc sĩ công nghệ hệ thống của RMIT. Sau khi về nước, chị Thảo rời UNDP để làm việc cho quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) với vị trí liason officeial (phái viên liên lạc) và đây cũng là bước ngoặt thay đổi sự nghiệp của chị.
Câu chuyện hấp dẫn nào sẽ được các diễn giả chia sẻ? Đón xem Cất cánh tháng 12 được truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 09/12 trên kênh VTV6. Khán giả có thể tương tác với diễn giả tại chuyên mục Cất cánh trên trang web vtv6.vtv.vn và facebook.com/KenhVTV6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!