Cuộc sống có nhiều lựa chọn cũng như cánh rừng có nhiều lối đi, mặt biển có nhiều hướng để con tàu rẽ sóng. Bạn sẽ lựa chọn con đường nhiều người đã đi qua để tiếp nối hay sẽ tự mình khám phá ra lối đi cho riêng mình? Có quan điểm cho rằng, người tiên phong mở ra những con đường mới trong bất kỳ lĩnh vực nào đều là những người có khả năng thay đổi thế giới. Chính họ với ý chí, sự quyết tâm, sự mạo hiểm của mình mới là những người sẵn sàng đạp bằng mọi cản trở "đội trời đạp đất" để "gánh đá vá trời" tạo ra những sự đột phá và khác biệt. Đây là những người dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, không biết sợ thất bại, càng thất bại họ càng có động lực bước tiếp trên con đường đã chọn.
Những khách mời đã tham gia Cất cánh trong những số gần đây đều là những nhân vật như thế. Đơn cử như khách mời Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) trong Cất cánh tháng 3 - là người đầu tiên nghĩ đến việc huy động cộng đồng tham gia thiết kế và xây dựng những ngôi nhà chống lũ. 7000 ngôi nhà là 7000 thiết kế khác nhau phù hợp với từng mảnh đất, từng gia đình của bà con nghèo vùng rốn lũ trên khắp cả nước trong 5 năm. Một con đường mới mà ngay từ lúc bắt đầu chị đã biết là rất khó khăn nhưng chị biết chắc chắn sẽ làm được. Hay như nhân vật Nguyễn Tiến Cường trong Cất cánh tháng 4 - người đã từ bỏ công việc ngàn đô của một chuyên gia công nghệ thông tin để sáng lập và điều hành thương hiệu "Vua dép lốp Phạm Quang Xuân". Anh bắt đầu quyết tâm làm sống lại những đôi dép cao su huyền thoại của lịch sử dân tộc mà chưa hề biết làm dép và bán dép cao su ra sao. Nhưng anh đã lựa chọn và bước đi trên con đường mới, dám chấp nhận mọi rủi ro và sẵn sàng chịu thất bại.
Khách mời Cất cánh tháng 3 - Phạm Thị Hương Giang
Theo dòng lịch sử quay ngược lại thời gian của 50 năm trước hẳn nhiều nông dân ở Vĩnh Phúc vẫn chưa quên được được câu chuyện khoán hộ, khoán chui của nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc (1917-2017). Năm 1968, ngay từ lúc mới ra đời, tư duy mới về "khoán hộ" trong sản xuất nông nghiệp đã bị "lấn át" phê phán nặng nề nhưng với sự hậu thuẫn ngầm của đồng chí Kim Ngọc, việc triển khai "khoán hộ" (hay còn gọi là "khoán chui") vẫn được tiếp tục dù gặp trở ngại. Tiếp sau Vĩnh Phúc, Hải Phòng là địa phương áp dụng khoán hộ vào sản xuất nông nghiệp thành công.13/1/1981, qua tổng kết thực tiễn, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, thường gọi tắt là khoán 100. Đây chính những tiền đề để đến năm 1988, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng ban hành tiếp Nghị quyết 10 chính thức coi "Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ" và cho thực hiện khoán hộ (khoán 10) trong toàn bộ nền nông nghiệp. Chỉ hai năm sau, năm 1990, nông nghiệp Việt Nam đã thay đổi kỳ diệu, đất nước chấm dứt tình trạng thiếu gạo triền miên trong thời kỳ bao cấp và bắt đầu xuất khẩu gạo ra thế giới vào năm 1992. Hiện nay, Việt Nam đang là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Tất cả những đổi thay đó đều bắt đầu từ những con người tiên phong dũng cảm mở ra con đường mới cởi trói cho nông dân như nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc.
Còn rất nhiều những câu chuyện về những người tiên phong, những người mở đường như thế đang hàng ngày hàng giờ truyền cảm hứng cho chúng ta trong cuộc sống. Đón xem chương trình Cất cánh tháng 5 với chủ đề "Con đường mới" để được lắng nghe những câu chuyện của các khách mời đặc biệt - những người tiên phong trong lĩnh vực của họ vào lúc 20h10 ngày 25/5 trên VTV1, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị và lựa chọn riêng cho bản thân mình.
"Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi."(Nhà văn Lỗ Tấn)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!