Cuộc sống vốn không có kịch bản. Kịch ứng tác cũng vậy. Là loại hình nghệ thuật sân khấu không lời thoại, không đạo cụ, không phục trang chuẩn bị sẵn, Kịch ứng tác đòi hỏi người biểu diễn phải có khả năng ứng biến, khả năng tương tác và khả năng kết nối đồng thời với bạn diễn, với khán giả trong cùng một không gian, thời gian hoàn toàn không có tính ước lệ mà thật như cuộc sống. Thậm chí các tình huống khơi nguồn cho ý tưởng rồi khởi phát ra thành những màn thoại đầy tính ngẫu hứng cho người diễn cũng hoàn toàn không được biết trước mà do chính người xem đưa ra ngay tại chỗ tức thì. Người diễn phải nhanh chóng phân tích, xử lý đưa ra quyết định ngay lập tức trước những tình huống không hề có sẵn trong kịch bản hay cốt truyện có trước. Toàn bộ lời thoại, hành động và nhân vật được các diễn viên phối hợp sáng tạo phát triển ngay trên sân khấu. Sự hấp dẫn của Kịch ứng tác, sự kinh ngạc dành cho khán giả Kịch ứng tác chính là ở sự ngẫu hứng đó, sự ngẫu hứng không tuân theo bất kỳ yếu tố có sẵn nào của sân khấu kịch truyền thống. Bức tường ngăn cách người biểu diễn và khán giả bị phá vỡ hoàn toàn và khán giả được khích lệ tham gia vào buổi biểu diễn một cách tối đa.
Xuất hiện trên thế giới từ những năm 60, Kịch ứng tác thách thức sự phụ thuộc hoàn toàn vào kịch bản bắt đầu từ nhà cải cách sân khấu kịch Viola Spolin khi bà phát triển một trò chơi vốn dành cho trẻ em nhưng sau đó dùng cho các diễn viên chuyên nghiệp nhằm giúp họ tập trung vào các nhân vật, lời nói và cảnh trí để ứng biến. Cuốn sách của bà "Ứng tác dành cho sân khấu - Improvisation for The Theater" (1963) nhanh chóng trở thành tác phẩm trụ cột của các chương trình sân khấu. Người thứ hai là Keith Johnstone, làm việc nhiều năm tại nhà hát hoàng gia Royal Court, Luân Đôn, năm 1979 viết cuốn sách gây ảnh hưởng lớn là "Sân khấu ứng tác: Ứng tác và sân khấu - Impro: Improvisation and the Theatre" thể hiện tinh thần bỏ bớt truyền thống và có tính linh hoạt hơn. Còn tại Việt Nam, hình thức Kịch ứng tác mới bắt đầu xuất hiện trong vài năm trở lại đây nhưng đã thu hút được khá nhiều bạn trẻ và công chúng quan tâm. Người xem cũng bắt đầu biết đến Kịch ứng tác qua những vở diễn như "Người lạ", " Mùa xuân thức dậy", "Quẫn"... và một loạt các khoá học, câu lạc bộ Kịch ứng tác với những cái tên như Life Art, The Rotten Grapes, Cái Tổ Nhỏ...
Một điều hấp dẫn ở Kịch ứng tác nữa là khi tham gia loại hình nghệ thuật sân khấu này, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ con số 0, có nghĩa là ai cũng có thể trở thành diễn viên Kịch ứng tác nhưng bạn phải tập luyện thường xuyên, thực hành thường xuyên cùng bạn diễn. Bởi vì, sự ngẫu hứng trong Kịch ứng tác nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực ra sự trôi chảy, bất ngờ ngẫu hứng đó không phải là ngẫu nhiên, mà là quá trình các bạn diễn cùng nhau tập luyện thường xuyên cùng nhau, ứng biến xử lý nhiều tình huống thường xuyên cùng nhau trên sàn tập đến mức độ nhuần nhuyễn và trở thành kỹ năng.
Bạn muốn tìm hiểu về những ứng dụng của Kịch ứng tác trong cuộc sống hàng ngày? Bạn muốn khám phá những khả năng tiềm ẩn trong bạn khi tham gia Kịch ứng tác? Hay đơn giản bạn chỉ muốn có những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và thú vị khi xem Kịch ứng tác? Hãy đến với Điểm hẹn 10h hôm nay (11/3) trên fanpage của VTV6. Chắc chắn bạn sẽ có những câu trả lời thú vị!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!