TV& VIDEO

QUÁN THANH XUÂN tháng 4: "Ngày mai anh lên đường" trong hồi ức người ở lại

Minh Hoa-Thứ hai, ngày 08/04/2019 17:05 GMT+7

VTV.vn - Quán Thanh Xuân tháng 4 với chủ đề "Ngày mai anh lên đường" cùng những âm hưởng rộn rã, những câu chuyện xúc động ngày chia tay

Quán thanh xuân số 4 chủ đề "Ngày mai anh lên đường" được truyền hình trực tiếp tối chủ nhật 7/4 trên kênh VTV1 đã khiến nhiều khán giả và khách mời rưng rưng xúc động khi gợi lại hành trình cảm xúc của lời tạm biệt gia đình, người thân, người thương, người yêu,… trước lúc lên đường ra chiến trường của những người chiến sĩ. Trong số ấy, cuộc chia tay đầy lặng lẽ của anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với gia đình được tiết lộ lần đầu tiên của các em gái của chị đã làm nhiều người rơi nước mắt.

QUÁN THANH XUÂN tháng 4: Ngày mai anh lên đường trong hồi ức người ở lại - Ảnh 1.

Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm

Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 tại Huế trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội và là chị cả của bốn chị em gái, cả 4 chị em đều mang tên giống mẹ chỉ khác nhau tên đệm, cho nên bạn bè và người thân đều gọi Thùy Trâm là "Thùy". Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa Mắt và được nhà trường cho tốt nghiệp sớm một năm để đi chiến trường. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, Tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.

Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sỹ Đặng Thùy Trâm bị phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi đời.

Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được đông đảo khán giả biết đến khi đồng thời là tác giả hai tập "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được viết từ ngày 8/4/1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ cho đến ngày 20/6/1970 (2 ngày trước khi hy sinh). Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4/2005. Nhật ký của chị sau đó được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành quyển sách mang tên "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và trở thành một hiện tượng văn học với hơn 400.000 bản được bán. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được báo chí nước ngoài bình luận như một "nhật ký Anne Frank của Việt Nam" và đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh dựng thành phim mang tên Đừng đốt.

Gia đình của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm có 4 người con gái tên Trâm, trong đó Đặng Thùy Trâm là cả, dưới chị lần lượt là 3 cô em gái: Phương Trâm; Hiền Trâm và Kim Trâm.

QUÁN THANH XUÂN tháng 4: Ngày mai anh lên đường trong hồi ức người ở lại - Ảnh 2.

Ba em gái của Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm: Phương Trâm; Hiền Trâm và Kim Trâm.

Theo lời cô Hiền Trâm, thời điểm chị Thùy Trâm chuẩn bị ra trận thì cô Hiền Trâm và Kim Trâm đang đi sơ tán tận Tuyên Quang. Do đó "Chị Thùy Trâm vừa đi ô tô vừa đi xe đạp về ở với chúng tôi 1 ngày. Từ Hà Nội chị lên tận trên ấy, đồi núi xa xôi nên đến tận buổi tối chị mới vào đến nhà, chị sờ mặt từng đứa em, rồi chải chuốt cho chúng tôi, tự nhiên lúc ấy không muốn chị đi nữa mặc dù lúc đầu rất háo hức nhưng ngay lúc ấy tôi đã cảm thấy bịn rịn rồi. Tối hôm ấy chị dặn dò là "Chị đi rồi thì em phải nhớ chị từng dạy em nấu ăn như thế nào, cắm hoa như thế nào (vì nhà chúng tôi có một kỉ niệm là cứ đến chủ nhật sẽ đi ra vườn hái hoa về cắm và chị dạy chúng tôi cắm và chị Trâm còn hát rất hay) , chị đi thì đừng buồn". Lúc ấy chúng tôi đã khóc nhưng chị bảo là không được khóc mà ở nhà vẫn phải hát vẫn phải nhớ làm món bún chả để chị trở về.Đến trưa ngày hôm sau là chị đi, hồi ấy nhà tôi sơ tán ở trên một quả đồi rất cao, khi chị đi tôi và cô em Kim Trâm cứ chạy theo chị và gọi "Chị ơi !chị ơi!" rồi đẩy xe đạp cho chị. Tôi nhìn thấy chị cứ từ từ bé mãi, bé mãi và không nghĩ đó là hình ảnh cuối cùng của chị tôi. Cho đến giờ và mãi mãi chúng tôi sẽ vẫn nhớ hình ảnh ấy, nhớ về chị, một người con gái rất đẹp và dịu dàng", cô Hiền Trâm xúc động kể lại.

Theo cô Phương Trâm cho biết, khi ấy chị Thùy Trâm đi trong tình trạng phải giữ bí mật, "Gia đình không một ai biết trước ngày đưa tiễn, ngày đi chính thức của chị chỉ có mình mẹ được đưa đến tiễn chị. Do đó trước khi đi, chị gặp lần lượt các em từng thời gian khác nhau, ví dụ như chị gặp tôi lúc ấy đang học ở trường Đại học Nông nghiệp ở Trâu Quỳ. Chị ấy đi xe đạp sang và món quà là một bài hát bởi lúc bấy giờ tôi thích hát bài "Xa khơi" nên chị Thùy Trâm chép cả nhạc và lời bài hát ấy đem sang. Sau đó chị em nói chuyện với nhau 1 lúc, rồi chị đi về và cũng không gặp được chị ở buổi chia tay và tôi chỉ biết là tháng 12 là chị sẽ đi cho nên những lần gặp cuối cùng ấy là những lần gặp rất đơn lẻ".

Đó là cuộc chia tay mà sau này các cô mới biết đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng của họ nên những ký ức buổi chia ly ấy vẫn còn lung linh mãi trong tâm tưởng những người ở lại. Còn rất nhiều những câu chuyện chia xa và tình yêu thời chiến khác đã được chia sẻ bằng âm nhạc và kỷ niệm trong chương trình Quán thanh xuân chủ đề Ngày mai anh lên đường

QUÁN THANH XUÂN tháng 4: Ngày mai anh lên đường trong hồi ức người ở lại - Ảnh 3.

Ca sỹ Minh Thu trong chương trình Quán thanh xuân tháng 4

Những bài ca chứa đựng nhiều cảm xúc người đi người ở, và cũng vì thế có cơ hội ở lại với thời gian lâu hơn trong những lời ca: "Gửi lại em giấc mơ bên giảng đường, gửi lại em lúa ngô đang vào mùa…." (Gửi lại em - Vũ Hoàng)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI