"Nhân vô thập toàn" có nghĩa là con người không ai hoàn hảo, dù ít dù nhiều cũng sẽ có những khuyết điểm, hạn chế nhất định. Nhưng con người phần lớn có tính hướng thiện nên việc được nhận những lời góp ý từ người khác để nhìn lại bản thân, khắc phục điểm yếu để ngày một hoàn thiện mình hơn là một nhu cầu tất yếu của mỗi người. Tuy nhiên, mỗi người là một cá thể khác nhau với bản ngã, cái tôi khác nhau cũng như nhận thức và khả năng thu nạp, phân tích, xử lý thông tin khác nhau nên cơ chế tiếp nhận lời góp ý sao cho hiệu quả hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, hoàn toàn không có một công thức chung cho những lời góp ý và cho những người góp ý như lý thuyết vẫn thường đưa ra. Có người thì cho rằng, muốn góp ý gì thì cũng phải khéo léo, tế nhị để người nghe dễ tiếp thu và thay đổi. Quan điểm của những người này là "mật ngọt chết ruồi", càng ngọt ngào càng góp ý hiệu quả.
Người khác thì cho rằng "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng", đã là góp ý chân thành thì cứ thẳng thắn mà "phang", đối tượng của lời góp ý theo phương thức này như kẻ chịu trận, càng ê chề bao nhiêu càng có động lực để thay đổi bấy nhiêu. Quan điểm khác thì lại cho rằng, góp ý như một nghệ thuật chế biến món ăn, nguyên liệu ra sao, gia giảm thế nào, chua cay mặn ngọt liều lượng ít hay nhiều đều phải phụ thuộc vào đối tượng nhận lời góp ý là ai, tính cách như thế nào... Ranh giới giữa góp ý và phê phán, chỉ trích hay định kiến là rất mong manh. Nếu bạn thực sự tôn trọng người khác thì chắc chắn bạn sẽ hiểu cần phải làm gì để những lời góp ý của bạn như những món quà được người khác tiếp nhận. Việc tính đến bối cảnh không gian, thời gian đưa ra lời góp ý cũng nên được cân nhắc cho dù là lời góp ý chân thành.
Tuân Tử có câu "Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta..." Làm thế nào để những lời góp ý hiệu quả? Làm thế nào để góp ý là thực sự vì đối tượng được góp ý chứ không phải vì cái tôi của bản thân người góp ý? Hãy cùng đi tìm câu trả lời với Tiến sĩ Trần Thành Nam, tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành tâm lý tại Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, hiện đang công tác tại Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và là thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam trong Bản tin Thế hệ số 18h30 tối nay (23/5) trực tiếp trên VTV6. TS. Trần Thành Nam cũng là người có nhiều công trình và bài viết nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý được công bố tại Việt Nam và quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!