Trong quy trình đóng gói của một công ty sản xuất hoa khá lớn ở làng hoa Vạn Thành, thành phố Đà Lạt, nhà vườn yêu cầu phải nâng niu, nhẹ nhàng để tránh hoa bị dập, gãy lúc phân loại hoa. Tuy nhiên, không ít công nhân đã lơ là trong khâu này. Họ xếp hoa vào thùng và đóng thùng hoa như những đồ vật thông thường.
Để hoa đến tay khách hàng tươi và đẹp, việc vận chuyển và bảo quản hoa không thể sơ sài bởi hoa chỉ đẹp khi giữ được sắc thái và hình dáng như mới cắt ở vườn. Muốn vậy, hoa phải có phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Tuy nhiên, phần lớn hoa Đà Lạt được đưa đến khách hàng bằng xe tải thông thường, ít được vận chuyển bằng xe lạnh, thậm chí là còn có tình trạng nhồi nhét hoa để đạt khối lượng vận chuyển cao.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cho thấy, tỷ lệ hoa bị tổn thất trong suốt quá trình cung ứng từ người sản xuất đến nhà phân phối ra đến thị trường bán lẻ lên đến hơn 30%, nghĩa là 10 cành hoa của nhà sản xuất khi đưa được đến nơi tiêu thụ chỉ còn 7 cành. Thương hiệu hoa Hoa Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có thể thấy quy trình cắt, đóng gói sau thu hoạch của các nhà vườn hiện vẫn theo phương thức thủ công và còn hết sức thô sơ.
Có lẽ không ít người tiêu dùng đã gặp phải tình cảnh hoa mua về cành hỏng, thậm chí rụng cả hoa, hoa chưng bình không nở mà dần héo chỉ sau 1 - 2 ngày. Ở các nước tiên tiến xuất khẩu hoa, công nghệ xử lý sau thu hoạch hiện đã ở mức cao. Một cành hoa cúc sau khi đến tay người tiêu dùng vẫn có thể kéo dài thời gian nở hoa đến 1 tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam, thời gian này bị rút ngắn, chỉ còn 1/3, tức khoảng 10 ngày, thậm chí thực tế còn thấp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!