Whitmore được ghi nhận là bệnh truyền nhiễm có từ rất lâu đời, thường gặp ở các quốc gia vùng Đông Nam Á như: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan. Bệnh này có thể xảy ra ngay lập tức, hoặc khi nhiễm bệnh có thể kéo dài một thời gian rất lâu mới bùng phát. Do đó, ngoài tên gọi Whitmore, bệnh còn được gọi với cái tên "quả bom nổ chậm". Riêng tại Việt Nam, theo khảo sát, bệnh nhân Whitmore có dấu hiệu gia tăng ở nhiều tỉnh thành như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thái Nguyên..., nên rất nhiều người lo lắng về cách phòng chống căn bệnh này.
Trên thực tế, một số bệnh nhân tử vong có thể do rơi vào những trường hợp khó chẩn đoán, hoặc khi thăm khám bệnh nhân, thầy thuốc chưa nghĩ đến bệnh này. Biểu hiện lâm sàng của bệnh, mức độ của bệnh cũng rất khác nhau, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Cụ thể, nếu bị trầy da mà nhiễm loại này sẽ bị nhiễm trùng trên da. Còn nếu hít phải vi khuẩn Whitmore sẽ dẫn đến bệnh về phổi, hoặc nếu nhiễm trong máu có thể di chuyển đến gan, thận, hạch...
Vi khuẩn whitmore còn được tìm thấy trong phân của động vật có vú như: dê, bò, cừu, đặc biệt là loài gặm nhấm như chuột, chúng theo phân đi ra ngoài, tồn tại trong môi trường đất, cát, nước... Khi không may bị nhiễm loại vi khuẩn này, nếu không được phát hiện sớm, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu, chúng sẽ phát triển rất mạnh.
Các bác sỹ khuyến cáo, người dân ở trong vùng dịch tễ khi có biểu hiện sốt cao, nhiễm trùng nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời. Người dân cũng cần báo cho bác sỹ biết những tổn thương trước đó, bác sỹ sẽ chú ý hơn về loại vi khuẩn mang tên "quả bom nổ chậm" Whitmore, tránh để lỡ mất "thời gian vàng" trong điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!