Cá tra Việt “hồi hương”, mong chờ sự đón nhận của thị trường trong nước

Tấn Hưng - Nguyên Du (VTV9)Cập nhật 07:03 ngày 12/01/2020

VTV.vn - Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, chỉ cần người tiêu dùng đón nhận, thị trường trong nước sẽ có chỗ cho 10 - 20% lượng cá tra, tương đương với thị trường Mỹ.

Sau những thành công của năm 2018, ngành chăn nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra hiện rơi vào khó khăn do giá cả biến động mạnh. Đây được xem là "nốt trầm" của ngành hàng tỉ USD này. Năm 2019, dù có tin vui là Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lần thứ 15 xuống còn 0% cũng như chính thức công nhận hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường này, nhưng ngành cá tra cũng có những thông tin không mấy phấn khởi.

Ngoài giá giao dịch giảm mạnh, xuất khẩu sang một số thị trường gặp khó, "nốt trầm" của ngành cá tra còn xuất phát từ sự cạnh tranh, theo đó cá tra Việt Nam đã không còn "một mình một chợ". Cụ thể, diện tích nuôi mới và sản lượng giảm. Ước sản lượng cả năm chỉ đạt 1,23 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu vì thế ước đạt khoảng 2 tỉ USD, giảm 10%. Giá cá nguyên liệu từ mức đỉnh là 33.500 đồng/kg vào tháng 10/2018 đã giảm mạnh chỉ vài tháng sau đó và duy trì ở mức thấp, từ 18.000 - 19.000 đồng/kg, khiến nông dân bị thua lỗ.

Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn cả là cơ cấu thị trường đã có sự thay đổi và sự thay đổi này được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cả ngành hàng trong thời gian tới. Hướng vào thị trường nội địa nghe có vẻ là giải pháp khả thi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do từ trước tới nay, loại cá tra trơn này không được nhiều người tiêu dùng trong nước đón nhận. Một phần là vì hầu hết doanh nghiệp đều chú trọng việc chế biến để xuất khẩu mà bỏ qua thị trường nội địa với hơn 96 triệu dân, một phần do người tiêu dùng trong nước vẫn còn tâm lý e ngại đối với tên gọi cũng như cách nuôi loại cá này trước kia. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng cá tra là loài thủy sản ngon, sạch và bổ dưỡng.

Đã có 8 giải pháp được đưa ra để phát triển bền vững và thích ứng với thị trường thế giới, trong đó chú trọng các tiêu chuẩn về vùng nuôi, chế biến, chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất cá giống. Và điều quan trọng là thay vì "bơi ra biển lớn", con cá tra đang được hướng vào thị trường nội địa. Vấn đề còn lại trong lúc này là làm sao để con cá tra "hồi hương" theo cách nói của các doanh nghiệp. Tin vui là trong những ngày gần đây, hình ảnh loài thủy sản đặc trưng của vùng ĐBSCL đã được điểm xuyết nhằm thu hút thực khách.

Theo tính toán của một doanh nghiệp, việc mỗi người dân Việt trong 1 năm ăn 2 miếng phi lê cá tra sẽ giúp tiêu thụ khoảng 100.000 tấn cá này. Khi đó, áp lực từ những thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc sẽ dần được giải quyết. Từ đây, con cá tra và người nông dân sẽ phát triển ổn định hơn trong năm 2020.

Ngành cá tra liên kết để vượt khó Ngành cá tra liên kết để vượt khó 'Hồi hương' cho con cá tra "Hồi hương" cho con cá tra Xuất khẩu cá tra Việt: Không còn 'một mình một chợ' Xuất khẩu cá tra Việt: Không còn "một mình một chợ"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.