Đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em tại TP.HCM: Nhiều ý kiến trái chiều

Hạnh Vân - Tuấn Anh (VTV9)Cập nhật 11:00 ngày 07/11/2019

VTV.vn - Đứng trước thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn, TP.HCM đã đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em.

Xâm hại, bạo lực trẻ em là vấn đề không còn quá mới với nhiều người, nhưng thực tế đau lòng này đang có xu hướng gia tăng về số lượng và mở rộng về đối tượng vi phạm, nhất là tại TP.HCM. Báo cáo của Công an TP.HCM cho thấy, trong tổng số vụ xâm hại trẻ em, có đến 95% là bé gái, 2 hậu quả nặng nề nhất là trẻ dễ có thai và bị rối loạn tinh thần.

Nếu như trước đây địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, gần đây nơi xảy ra các vụ xâm hại này còn diễn ra tại các khu vực công cộng. Thậm chí, chỉ cần một khoảnh khắc, các đối tượng này cũng có thể ra tay.

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao loại tội phạm này lại không lo sợ bị pháp luật trừng trị? Theo quy định pháp luật mới nhất có hiệu lực từ tháng 11, đụng chạm vào một số nơi trên cơ thể trẻ có thể bị kết tội Dâm ô trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng quy định pháp luật lại không diễn ra thuận lợi như vậy. Rất nhiều sự việc về xâm hại trẻ em đã đi vào ngõ cụt. Theo các chuyên gia, điểm khó khăn nhất là thu thập chứng cứ và nhân chứng. Một khó khăn nữa là việc áp dụng luật để định được tội danh cho loại tội phạm này.

Ai cũng hiểu đã đến lúc cần có sự thay đổi, đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em là một trong những sự thay đổi ấy. Để khả thi, lực lượng này phải thật sự trở thành "tay đấm thép" thì mới đủ sức răn đe loại tội phạm khó xử lý trên. Ngay khi đề xuất này đưa ra, đã có rất nhiều ý kiến đồng tình khi trẻ em vốn được xem là thành phần yếu thế trong xã hội. Do đó, thành phần này phải có sự hỗ trợ đặc biệt hơn so với các đối tượng khác.

Ở một góc độ khác, việc đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em chỉ được xem là giải pháp cuối của cuộc đấu tranh. Nguyên nhân là do lực lượng này chỉ răn đe và khắc phục hậu quả là chính, không thể phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, chủ yếu là Hội Bảo vệ quyền trẻ em.

Một giải pháp nữa đang được các chuyên gia đánh giá là cần làm ngay là giáo dục, nâng cao nhận thức, thay vì thành lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em, vừa tốn thời gian đào tạo, vừa làm cồng kềnh thêm bộ máy.

Có thể thấy, trước khi có lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em, việc đấu tranh với loại tội phạm này chủ yếu dựa vào 2 nguồn: luật sư và dư luận. Nhờ sự lên án mạnh mẽ của dư luận, nhiều kẻ gây án đã bị bắt giam và đền tội. Tuy nhiên, không thể dựa mãi vào dư luận, trong khi công cụ pháp luật hiệu quả hơn rất nhiều.

Kiến nghị lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em Kiến nghị lập lực lượng cảnh sát bảo vệ trẻ em

VTV.vn - Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh xâm hại, bạo hành, bóc lột trẻ em đang trở nên ngày càng nhức nhối.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.