Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến tháng 6/2020, hiện trong 3,5 triệu xe thuộc đối tượng dán thẻ, chỉ mới có khoảng từ 800.000 đến 900.000 chiếc thực hiện. Riêng tại TP.HCM, lượng phương tiện sử dụng thẻ thu phí không dừng tại 5 trạm thu phí chưa nhiều. Trong đó, trạm thu phí cầu Phú Mỹ hiện đang có số phương tiện sử dụng thẻ cao nhất cũng chỉ chiếm 24%, những trạm thu phí khác chiếm tỷ lệ thấp.
Với tỷ lệ cao nhất là 24% lượng phương tiện sử dụng thu phí không dừng chỉ tính riêng tại một trạm thu phí ở TP.HCM phần nào cho thấy, hệ thống thì đã có, nhưng chưa phát huy hết hiệu quả trong việc nâng cao năng lực thông hành các phương tiện lưu thông qua các trạm. Điều này cho thấy, việc triển khai này vẫn đang có những vướng mắc nhất định và cần phải gỡ được nút thắt đó thì mới sớm hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2020.
Qua gần 2 năm triển khai, số phương tiện sử dụng thẻ không dừng tại trạm thu phí An Sương An Lạc, TP.HCM chỉ chiếm gần 5%. Đó là chưa kể tổng số xe dán thẻ chiếm đến 14,3% nhưng phần lớn trong số đó đều là tài khoản không có tiền. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: một là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khi không muốn mất thời gian đi nạp tiền. Hai là việc tài khoản nạp tiền không liên kết với ngân hàng. Nếu có, chủ phương tiện sẽ mất phí.
Chôn vốn cũng là nỗi lo ngại của nhiều doanh nghiệp vận tải TP.HCM khi buộc phải đóng trước một khoản tiền vào thẻ thu phí không dừng theo quy định. Doanh nghiệp nào càng có nhiều xe, số tiền ứng trước lại càng nhiều. Trong khi đó, doanh nghiệp cần vốn để xoay sở nhiều khoản chi khác.
Một yếu tố nữa cũng được nhắc đến trong thời gian gần đây khi áp dụng thu phí không dừng là sự đồng bộ. Hiện vẫn có nhiều nơi thực hiện thu phí không dừng không cùng công nghệ với nhau, gây phiền hà cho các chủ phương tiện. Một lần nữa, thách thức đặt ra là với thời hạn đặt ra vào cuối năm nay, ngành giao thông sẽ làm như thế nào để không trễ hẹn lần nữa./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!