Quốc tế, tư thục, công lập, dân lập..., trường nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Tuy nhiên, nếu đã xem giáo dục là một dịch vụ, trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo là thông tin rõ ràng về sản phẩm như: nguồn gốc, hình thức, chương trình đào tạo. Đây là quyền được biết của người tiêu dùng, mà ở đây là các bậc phụ huynh. Trên thực tế, có những trường danh xưng là quốc tế nhưng không phải là trường quốc tế.
Tại TP.HCM, hiện có khoảng 21 trường học có yếu tố nước ngoài được sở cấp phép. Việc cấp phép ở đây được hiểu là có thể sử dụng chữ "quốc tế" để quảng bá, tuyển sinh. Số còn lại chỉ là các trường tư thục, dân lập có sử dụng chương trình đào tạo từ nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với một địa phương ở một quốc gia nào đó, nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết điều này. Lợi dụng sự nhầm lẫn trên, nhiều trường có mác quốc tế ra đời, từ mầm non đến cao đẳng, đại học với mức phí cũng rất "quốc tế".
Để hợp thức hóa chữ "quốc tế" trong suy nghĩ của phụ huynh thành thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã tìm mọi cách để liên kết với một cơ sở giáo dục nào đó ngoài đất nước Việt Nam và không phải lúc nào quá trình liên kết này cũng được giám sát và kiểm định. Hệ quả là có những trường quốc tế ở nước ngoài dù không được công nhận nhưng vẫn liên kết với trường quốc tế tại Việt Nam. Nghịch lý là các bậc phụ huynh phải trả giá cao nhưng mua phải hàng giả.
Theo Luật Giáo dục Việt Nam, hệ thống giáo dục quốc dân không có khái niệm trường quốc tế, chỉ có trường công, trường tư thục, trường dân lập. Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên (Công ty Phát triển Giáo dục Innedu), một trong những nguyên nhân để các trường tự gắn mác quốc tế vẫn còn cơ hội tồn tại và phát triển là do phụ huynh thiếu thông tin, hoặc thiếu tiếp cận thông tin chính xác để đưa ra quyết định. Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương lại không quản lý về mặt chuyên môn với các trường quốc tế. Do đó, phụ huynh đành phải tin vào trực giác về chất lượng giảng dạy của trường. Điểm mạnh của trường quốc tế là cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, phát triển nhiều chương trình dạy kỹ năng, trong khi đây là điều mà các trường công lập còn thiếu.
Điều cần lúc này là phải có quy định, hành lang pháp lý giám sát về danh xưng "trường quốc tế". Quan trọng hơn là phải có một cơ sở dữ liệu các "trường quốc tế" đã đăng ký với đầy đủ thông tin về nội dung chương trình, ngôn ngữ giảng dạy, thông tin về việc kiểm định và nếu có sai phạm về minh bạch thông tin, cơ quan quản lý cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. "Giáo dục quốc tế" không nằm ở các yếu tố là sử dụng ngôn ngữ quốc tế, theo chương trình của nước ngoài, văn bằng do nước ngoài công nhận mà cốt là ở nội dung và mục tiêu giảng dạy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!