Ngành mía đường Việt: Bảo hộ hay “thua ngay trên sân nhà”?

Minh Xuân - Quốc Minh - Hoàng Phi (VTV9)Cập nhật 20:10 ngày 03/10/2019

VTV.vn - Câu hỏi được đặt ra là có nên tiếp sức cho ngành mía đường trong thời điểm hiệp định ATIGA đang tới gần? Chúng ta ủng hộ đường trong nước hay tạo ra sân chơi công bằng?

Trong 3 tháng gần đây, ngành mía đường liên tục có 3 văn bản cầu cứu các cơ quan chức năng Trung ương về giải pháp nào cho cây mía. Trong đó, nổi cộm nhất là 2 vấn đề: đề xuất tạm hoãn thực thi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA ) và chỉ đạo định hướng giá thu mua mía cho niên vụ sản xuất 2019 - 2020. Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN mà đối thủ cạnh tranh lớn nhất là đường Thái Lan.

Trên thực tế, rất khó để ủng hộ đường trong nước ở thời điểm hiện tại. Nguyên nhân là do với người tiêu dùng, giá rẻ hơn đã là lợi thế quá lớn của đường Thái. Và nếu ATIGA được áp dụng, đường Thái nhập lậu hiện nay sẽ "đường đường chính chính" đi vào Việt Nam với số lượng khổng lồ. Người Thái Lan xuất khẩu đường đứng thứ hai thế giới và họ biết cách để giảm giá thành đường.

Sau 2 năm hoãn Hiệp định ATIGA, đến nay Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo tới các doanh nghiệp thành viên cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020. Theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa.

Nhiều ý kiến đã được đặt ra về việc bảo hộ ngành mía đường, nhưng việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành khác. "Liều thuốc đắng" ATIGA sẽ là bài học để ngành mía đường tự tổ chức lại và tự tìm giải pháp hạ giá thành đường. Và quan trọng nhất là ngành mía đường trong nước phải tự cứu mình bằng cách giảm giá thành đường để cạnh tranh (Giá thành sản xuất 1 tấn mía của Việt Nam lên tới 30 - 35 USD, trong khi ở Thái Lan chỉ vào khoảng 20 - 25 USD, Australia là 18 - 20 USD).

Ngành mía đường đang chờ lời giải, nhưng câu trả lời vẫn chưa xuất hiện. Ba văn bản liên tiếp gần đây cầu cứu khắp nơi vẫn chưa có ý kiến cụ thể từ Chính phủ và các cơ quan chức năng. Nếu để phó mặc cho thị trường, ngành mía rất có thể sẽ chết, hoặc cũng rất có thể trong bước đường cùng sẽ vực dậy với những đơn vị có sáng kiến và có năng lực thật sự. Tương lai chưa để đoán định nhưng nếu để ngành mía đường chết đi, nước ta sẽ mất đi một biểu tượng xóa đói giảm nghèo, mang lại sự ấm no, và sẽ rất ngậm ngùi vì chúng ta "thua ngay trên sân nhà".

Thêm một năm mía đường tiếp tục có “vị đắng” Thêm một năm mía đường tiếp tục có “vị đắng”

VTV.vn - Mía đường đang gặp khó về tiêu thụ, lượng tồn kho là trên 50%. Dự kiến, niên vụ 2019 - 2020, ngành mía đường sẽ tiếp tục suy giảm, diện tích trồng còn khoảng 220.000ha.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.