Vaccine COVID-19 dạng xịt có thể hiệu quả hơn dạng tiêm?

Nhật Anh, icon
07:39 ngày 23/10/2020

VTV.vn - Với giả thiết rằng sẽ chặn đứng virus SARS-CoV-2 hiệu quả hơn tại mũi và miệng - nơi virus xâm nhập vào cơ thể, các nhà khoa học đã thử nghiệm vaccine COVID-19 dạng xịt.

Hình minh họa: AP

Hiện tại, các loại vaccine COVID-19 sắp được đưa ra thị trường đều được sản xuất dưới dạng tiêm trực tiếp vào cơ bắp tay. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn không từ bỏ theo đuổi việc phát triển những loại vaccine mới, dùng qua đường mũi và miệng, nơi virus SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp vào cơ thể. Các cuộc thử nghiệm trên chuột cho thấy vaccine dạng hít và xịt có kết quả rất khả quan.

"Tạo ra miễn dịch cục bộ là mục tiêu chúng tôi đang hướng đến" - bà Frances Lund, nhà miễn dịch học đang làm việc tại công ty công nghệ sinh học Altimmune (Mỹ), chia sẻ với hãng thông tấn AP.

Các loại vaccine có cơ chế tạo miễn dịch cục bộ sẽ có lợi thế hơn những loại vaccine kích thích miễn dịch trên toàn cơ thể, ít nhất là về thời gian. Giống như binh pháp, việc tập trung "đánh" virus ngay tại "cửa vào" sẽ đem lại hiệu quả hơn dàn trải lực lượng như vaccine "truyền thống".

Việc phát triển vaccine dạng hít và xịt dựa trên một số đặc điểm đặc trưng của các bộ phận cơ thể người có lớp niêm mạc trên bề mặt như phổi, mũi, cổ họng. Lớp niêm mạc này chứa hàm lượng protein miễn dịch cao, được gọi là IgA, giúp cơ thể chống lại các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

Theo chuyên gia Michael Diamond thuộc Đại học Washington (Mỹ), phổi - nơi bị virus tấn công mạnh nhất - có thể được bảo vệ nếu đưa được vaccine vào lớp niêm mạc ở mũi và cổ họng, từ đó ngăn chặn mầm bệnh lan ra toàn cơ thể.

Trong cuộc thử nghiệm trên chuột được tiến hành vào tháng 8 vừa qua, Diamond và các đồng sự của ông phát hiện rằng nhờ đưa vaccine vào từ mũi, cơ thể chuột đã có những phản ứng niêm mạc mạnh đáng kể. Nhóm nghiên cứu cũng chứng minh được các phản ứng niêm mạc này đã ngăn chặn lây nhiễm trong cơ thể chuột.

Với những người mắc chứng sợ kim tiêm, vaccine dạng xịt và hít cũng sẽ giải quyết được vấn đề trên, bên cạnh nhiều lợi ích khác như tiết kiệm chi phí bảo quản và vận chuyển và số lượng nhân viên y tế thực hiện thao tác.

Công ty công nghệ sinh học Altimmune đang lên kế hoạch thử nghiệm vaccine đường mũi trên người vào quý IV năm nay. Trong đó, tình nguyện viên sẽ được cho sử dụng ống ngậm trong bình xịt, tương tự như một số liệu pháp điều trị hen suyễn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phải lưu ý rằng do hai vị trí sử dụng vaccine xịt rất gần não, vấn đề an toàn phải được đặt lên hàng đầu và cao hơn phương pháp truyền thống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục