Có những cuộc ra đi để kiếm tìm cơ hội. Có những cuộc ra đi do bị ép buộc. Có những cuộc ra đi như một cuộc trốn chạy. Muôn vàn lý do ban đầu để ai đó quyết định phải ra đi, quyết định rời xa nơi chốn cũ. Nhưng cho dù vì lý do gì đi chăng nữa thì thấu tận tâm can những người xa quê vẫn luôn khắc khoải một ngày về trong mừng tủi, buồn vui và nước mắt.
Cách đây 2 năm, trong chương trình Gala "Ngày trở về" của VTV, khán giả đã rơi nước mắt trong sự ngỡ ngàng trước hành trình đi tìm dấu chân người Việt tưởng chừng như đã bị quên lãng. Rất nhiều số phận, cuộc đời của những nông dân Việt Nam cách đây gần trăm năm bị thực dân Pháp cưỡng bức đưa sang Guyane (Nam Mỹ) hay Camargue, miền Nam nước Pháp làm nô lệ. Họ - những người tù khổ sai mang dòng máu Việt đã bị vắt kiệt sức trong những đồn điền, nhà máy sản xuất vũ khí nơi đất khách quê người nhưng chưa một phút giây ngừng hy vọng ngày trở về. Giờ đây con cháu họ vẫn nỗ lực, cần mẫn lao động tạo ra một thương hiệu gạo nổi tiếng của miền Camargue nam nước Pháp. Túi gạo do phóng viên mang về Việt Nam sau chuyến công tác là biểu trưng cho sự khát khao ngày trở về đất mẹ ấy, cho dù có lúc những người con xa quê ấy tưởng chừng đã bị lịch sử lãng quên.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 4 triệu người. Kể từ sau khi đất nước đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, số lượng người Việt đi du học trở về lập nghiệp, xây dựng đất nước ngày càng nhiều. Theo tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader, nhiều người vẫn mong muốn về Việt Nam để đón đầu cơ hội ở những ngành nghề mới nổi như chuỗi cung ứng, công nghệ, tài chính, giáo dục hoặc khởi nghiệp. Còn Robert Walters – một công ty hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao – sau 2 năm triển khai chiến dịch "Come Home Phở Good" đã kết nối với hơn 5.000 nhân sự người Việt ở nước ngoài, trong đó, có 1.200 người chia sẻ mong muốn quay trở về quê hương để làm việc.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình - Nguyên phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Việt kiều Canada là một trong rất nhiều người như thế. Sang Pháp năm 1986 và có thời gian sống tại Canada, năm 2004, ông Bình là một trong những trí thức Việt kiều trở về nước theo lời kêu gọi của UBND TP.HCM: trở về để xây dựng phát triển thành phố, cụ thể là xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học có quy mô và tính chất ngang tầm khu vực. "Sau khi quyết định trở về nước, vợ chồng tôi bán hết toàn bộ nhà cửa bên Canada. Phải nói là bán hết để không chừa cho mình một còn đường rút lui nào, để cho dù khi quay về có gặp khó khăn mấy cũng không còn cơ hội mà nản lòng, thối chí". Ông Bình cũng như nhiều người Việt Nam ở nước ngoài khác sau khi quyết định trở về đã xây dựng được sự nghiệp và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau, đặc biệt là cho các các bạn trẻ đang đứng trước quyết định ra đi, nhưng đi là để trở về.
"Ngày đó tôi đã lựa chọn ra đi, bởi tôi thấy mùi của đam mê, của tuổi trẻ và mùi khét của ngọn lửa nhiệt huyết đang cháy. Nhưng rồi tất cả cũng không thể mang cho tôi một mùi vị bình yên... Muốn buông tay, muốn tạm biệt ước mơ, muốn dừng tất cả những hoài bão còn thực hiện dang dở. Muốn về nhà..." (Bùi Nguyễn Bảo Ngọc)
Về với nơi bạn đã sinh ra và lớn lên. Về với sự yêu thương và lòng vị tha, với "mùi của tình thương, mùi quen thuộc của cha của mẹ, mùi của bắp ngô nướng cháy đen vùi quên trong bếp..." Về để bạn có thể nhìn lại nơi chốn cũ. Những góc nhìn mới, những màu sắc mới đang đón đợi bạn. Về để những người nơi đó cũng nhìn bạn theo một cách khác. Trở lại nơi bạn bắt đầu không hề giống với việc chẳng bao giờ rời đi.
Hãy đi thật xa...
Ngày trở về rất gần...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!