Chương trình Cất cánh tháng 5 với chủ đề "Con đường mới" đã kết thúc nhưng dư âm của 75 phút trực tiếp vẫn theo khán giả với những câu chuyện và những trải nghiệm tuyệt vời của khách mời. Chương trình đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo khán giả truyền hình và khán giả số. Ba diễn giả của chương trình: TS. Dương Tuấn Hưng - vị tiến sĩ hoá học đã từng bỏ Viện nghiên cứu để làm kinh doanh nhưng niềm đam mê nghiên cứu đã đưa anh trở lại gắn bó với giáo dục STEM; CEO Phùng Văn Cường - Tổng giám đốc Viettel Solution; TS. Nguyễn Thành Nam - người đã biến những quán game thành trường học với Đại học trực tuyến đầu tiên FUNix. Ba khách mời với 3 lĩnh vực khác nhau, câu chuyện khác nhau nhưng đều đang đi trên con đường riêng và truyền cảm hứng cho nhiều người đi theo con đường mà họ đã lựa chọn.
Khán giả Doãn Thành Minh đã chia sẻ sự ngưỡng mộ với diễn giả Dương Tuấn Hưng khi nghe vị tiến sĩ trẻ say mê với các em nhỏ trong Ngày hội STEM- một phương pháp giáo dục trang bị cho các em nhỏ những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math). Khán giả Minh đưa ý kiến "Anh Hưng ơi, sao anh mạo hiểm thế. Sao anh dám từ bỏ khoa học rồi làm kinh doanh, rồi lại về làm khoa học. Con đường gập ghềnh thế sao anh vẫn đi. Anh khiến tôi nể phục và dám dấn thân hơn!" Một khán giả khác tại trường quay đặt câu hỏi "STEM là một con đường mới trong giáo dục. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học rất tốn tiền, trẻ con nông thôn, miền núi có học STEM được không?".
Khách mời Dương Tuấn Hưng đã trả lời rất thuyết phục rằng, việc triển khai STEM ở Việt Nam hoàn toàn không tốn kém như mọi người nghĩ. Các anh chị cộng sự với TS. Hưng đã đưa ra một mô hình theo thế kiềng ba chân gồm: thứ nhất, STEM và các môn học trong sách giáo khoa tức là tận dụng nội lực và sức sáng tạo, kiến thức của nền giáo dục phổ thông; thứ hai, STEM và Tái chế tức là sử dụng các nguyên liệu tái chế để làm các mô hình nghiên cứu cho các em. Thực tế, chính các học sinh nông thôn miền núi lại có nhiều điều kiện gắn kết với thiên nhiên để học STEM hơn các em thành phố rất nhiều. Thứ ba, STEM gắn liền với chế tạo rô-bốt như các cá nhân tổ chức đang áp dụng với chi phí rất rẻ mặc dù vẫn sử dụng mã nguồn mở để tiếp cận công nghệ 4.0. STEM sẽ giúp các em học sinh có tư duy, tự tin và không cảm thấy sợ hãi khi đối đầu với những thử thách để tạo ra những công cụ, công trình phục vụ cho đời sống con người.
Cùng với STEM, một khái niệm mới được đưa ra trong thời gian gần đây là "Make in Vietnam" - một cách nói về việc sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. "Phát triển công nghệ là con đường mới, con đường sống còn của Việt Nam." Đó là thông điệp trong bài diễn thuyết thứ hai của khách mời Cất cánh tháng 5 - CEO Phùng Văn Cường của Viettel Solution muốn truyền tới người xem. Đồng tình quan điểm của khách mời Cường, khán giả Nguyễn Hào Ánh chia sẻ "Con đường của anh và Viettel đang giúp người Việt Nam hội nhập 4.0. Mong Viettel ngày càng phát triển hơn nữa". Bạn Hoàng Minh Anh cũng hào hứng "Cảm ơn anh và Viettel với vô vàn con người tiên phong đã và đang giúp thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới"
Có một điểm chung giữa ba khách mời trong Con đường mới tháng 5 của Cất cánh là dù con đường có thể khác nhau, nhưng mục tiêu chung họ hướng đến đều là bài toán liên quan đến hai chữ "công nghệ". Khách mời Nguyễn Thành Nam trong bài nói tiếp theo đã chia sẻ câu chuyện về tầm nhìn thế kỷ của Bác Hồ được bản thân ông và những cộng sự của mình ở FPT trước kia và ở Đại học trực tuyến FUNix bây giờ coi như kim chỉ nam trong việc đề ra chiến lược phát triển và thực tiễn quản trị doanh nghiệp. Khán giả Lê Hà Khoa xúc động "Xúc động thật, bài học từ Bác được anh chia sẻ như một chiến lược rất đáng học tập. Tôi đang lập nghiệp. Cảm ơn bài nói của anh từ bài học của Bác Hồ".
Không có những người tiên phong, thế giới không bao giờ thay đổi. Chính họ với sự dấn thân dũng cảm của mình đã và đang dẫn dắt nhiều người tự tin bước trên con đường mới mà họ đã tìm ra để cùng nhau "Vì một Việt Nam cất cánh"
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!