Ghép tế bào gốc - phương pháp cứu chữa bệnh nan y về máu

Minh Đức, icon
06:37 ngày 03/10/2016

VTV.vn - Phương pháp ghép tế bào gốc đang trở thành hi vọng cho nhiều bệnh nhân bị bệnh nan y về máu như tan máu bẩm sinh, ung thư máu, suy tủy...

Trong thời gian vừa qua, vụ việc người mẹ trẻ rao bán nội tạng của mình để đủ tiền ghép tế bào gốc cho con bị mắc bệnh nan y về máu gây xôn xao dư luận. Hiện cháu bé đang được tiếp tục điều trị nhằm đảm bảo sức khỏe cho việc ghép tế bào gốc. Vậy tế bào gốc là gì? Phương pháp ghép tế bào gốc có thể chữa khỏi những bệnh nan y nào?

Tại Việt Nam, phương pháp ghép tế bào gốc được coi là bước đột phá lớn trong lĩnh vực Y học. Sau 10 năm, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc vào việc điều trị bệnh, đưa việc phương pháp ghép tế bào gốc trở thành lĩnh vực mũi nhọn của viện.

Phương pháp ghép tế bào gốc có thể mang lại cơ may sống sốt và hi vọng thoát khỏi nhiều căn bệnh nan y về máu như ung thư máu, thalassemia, suy tủy, đa u tủy xương... Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều ngân hàng tế bào gốc nhằm mục đích lưu trữ tế bào gốc dây rốn dịch vụ cho các gia đình có nhu cầu. Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu TW đang xây dựng một ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng nhằm giúp đỡ tất cả các bệnh nhân có nhu cầu sử dụng nguồn tế bào gốc được hiến tặng từ các thai phụ.

Ghép tế bào gốc - phương pháp cứu chữa bệnh nan y về máu - Ảnh 1.

Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng được lưu trữ và bảo quản trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C trước khi đưa ra sử dụng

TS. Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc cộng đồng (Viện Huyết học - Truyền máu TW) cho biết: "Hiện đang có 2 phương pháp ghép là ghép tự thân và ghép đồng loại. Ghép tự thân là người bệnh tự lấy tế bào gốc của cơ thể mình để ghép, còn ghép đồng loại là sử dụng tế bào gốc của người thân hoặc người không cùng huyết thống để ghép. Trong nhiều trường hợp, tế bào gốc của người thân lại không phù hợp với bệnh nhân, vậy nên bệnh nhân phải tìm tế bào gốc ở ngân hàng tế bào gốc cộng đồng".

Trong một số trường hợp, sau khi ghép tế bào gốc đồng loại vào cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng thải ghép. Những tế bào gốc đồng loại không chỉ tạo ra máu mà còn tạo ra bạch cầu, chính là hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể. Những bạch cầu này có thể sẽ gây phản ứng với các tế bào gốc cũ của bệnh nhân dẫn đến tình trạng đào thải những tế bào gốc mới được ghép.

Ngoài ra, người ghép tế bào gốc cũng có thể gặp hiện tượng "ghép chống chủ". Bạch cầu được tạo ra từ tế bào gốc mới sẽ đi khắp cơ thể và "đánh" lại chính cơ thể vì "lạ". Vậy nên, người bệnh sau khi ghép xong phải uống thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài để đảm bảo cân bằng cho cơ thể.

Cũng theo TS. Trần Ngọc Quế, đối với những bệnh nhân mắc một căn bệnh khác nhau thì cần phải có sự kiểm tra sức khỏe chặt chẽ trước khi tiến hành ghép tế bào gốc. Riêng đối với bệnh Tan máu bẩm sinh, trước khi tiến hành ghép, ngoài việc tìm ra mẫu tế bào gốc phù hợp thì phải kiểm tra lượng sắt dư trong cơ thể. Nếu lượng sắt dư này không được đào thảo sẽ dễ gây suy thận, suy gan cho bệnh nhân.

Ghép tế bào gốc - phương pháp cứu chữa bệnh nan y về máu - Ảnh 2.

Bệnh nhân được ghép tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Hiện nay, chi phí cho mỗi hình thức ghép có giá khác nhau, đối với ghép tế bào gốc tự thân mỗi ca ghép có tổng chi phí 200 triệu đồng, trừ chi phí bảo hiểm chi trả thì người bệnh phải trả khoảng 100 triệu đồng. Đối với ghép tế bào gốc đồng loại tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng, người bệnh phải trả 200 đến 300 triệu đồng.

TS. Trần Ngọc Quế cũng chia sẻ: "Ngân hàng chúng tôi không quá khuyến khích việc gửi tế bào gốc máu dây rốn dịch vụ như những nơi khác mà khuyến khích việc lưu trữ máu dây rốn từ cộng đồng. Tất cả những thai phụ khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây nhiễm, sinh con khỏe mạnh, có đủ thể tích máu dây rốn thì có thể hiến tặng cho ngân hàng. Tế bào gốc được hiến tặng đủ tiêu chuẩn sẽ được lưu trữ miễn phí tại ngân hàng để sử dụng cho cộng đồng. Đặc biệt, nếu chính những đứa con của thai phụ hiến tặng máu dây rốn cần đến chúng thì vẫn sẽ được sử dụng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

Cùng chuyên mục