Với chủ đề "Cứ đi rồi sẽ đến", trong suốt hơn một tiếng trực tiếp trên sóng VTV1 vào tối qua (24/2) tại trường quay ngoài trời của Đài Truyền hình Việt Nam, Cất cánh tháng 2 đã mang đến cho khán giả những câu chuyện thực sự truyền cảm hứng. Khán giả trẻ đặc biệt ấn tượng với khách mời Nguyễn Chí Công, vị tiến sĩ công nghệ thông tin đã 70 tuổi vẫn luôn coi mình còn trẻ như hồi ông 27 tuổi cùng các cộng sự chế tạo ra chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam và của cả châu Á vào năm 1977, khi mà Nhật Bản vẫn đang dùng những chiếc máy tính vô cùng khổng lồ. Ba chìa khoá mà TS Nguyền Chí Công truyền cho các bạn trẻ, thế hệ đang tiếp cận với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 chính là: chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để nắm bắt khi thời cơ đến; dũng cảm lựa chọn, không đi theo lối mòn và tự tin dấn thân theo con đường mình đã chọn. Dũng cảm để kiên định theo con đường mình đã chọn, thất bại cũng phải đứng lên và rút ra bài học từ sự thất bại đó. Không đi theo lối mòn để phát huy sức sáng tạo vô cùng trong mỗi con người. Tự tin dấn thân không vụ lợi, không tính toán để toàn tâm toàn ý với mục tiêu đã đề ra. Đủ 3 yếu tố đó, bạn cứ đi rồi sẽ đến.
Khán giả Trần Thảo rất tâm đắc với ý kiến của khách mời Nguyễn Chí Công khi cho rằng các bạn trẻ bây giờ "đang hưởng thụ nhiều quá" và kêu gọi các bạn hãy "cống hiến nhiều hơn cho xã hội". Bản thân diễn giả Chí Công tuy đã 70 tuổi nhưng vẫn cùng lúc thực hiện mấy dự án, trong đó có việc ông mang máy ảnh đi khắp nơi trên đất nước chụp và tìm hiểu về hệ thống đền chùa Việt Nam. Sau đó, chính ông lại lập trình nên những trang web, số hoá đưa những kiến thức đó lên mạng để truyền lại cho các thế hệ sau. Rất nhiều khán giả đồng tình với quan điểm của ông rằng, đây là thời đại bùng nổ Internet, thời cơ của Việt Nam đang đến, các bạn trẻ đang sở hữu rất nhiều cơ hội, cần chuẩn bị sẵn sàng nắm bắt những điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân và làm cho Việt Nam cất cánh.
Tiếp nối câu chuyện truyền cảm hứng của tiến sĩ Nguyễn Chí Công, câu chuyện của cô giáo Trần Thị Thuý - Trường THPT Đức Hợp, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã khiến cho cả trường quay phải cảm động vì những gì mà cô đã trải qua trong hành trình từ 70m dây mạng Internet đến sự kết nối với hệ thống giáo viên/học sinh của 21 nước trên thế giới. Câu chuyện cổ tích được viết tiếp từ chiếc máy vi tính đầu tiên của vị tiến sĩ 70 tuổi đến giải thưởng danh giá Top 50 giáo viên toàn cầu của một giáo làng trong thời đại mà cuộc cách mạng 4.0 có thể len lỏi đến từng em học sinh nghèo với chỉ... 70 m dây mạng, một chiếc máy vi tính và tư duy "hãy đi, hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ và kiên trì với những lựa chọn của mình, bạn sẽ đến" của cô giáo Trần Thị Thuý. Đây cũng chính là câu trả lời sống động nhất cho câu hỏi của khán giả ngay tại trường quay dành cho vị tiến sĩ 70 tuổi trong đoạn diễn thuyết trước đó của KM Nguyễn Chí Công "Khi bác sáng tạo ra chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam, bác có hình dung ra sự bùng nổ của Internet như bây giờ không và tiếp theo sẽ là gì?". TS Nguyễn Thành Nam - khách mời bình luận cũng nhận định như vậy khi nghe xong câu chuyện truyền cảm hứng của cô giáo Top 50 giáo viên toàn cầu Trần Thị Thuý.
KM - Cô giáo Trần Thị Thuý
Ba khách mời, ba câu chuyện khác nhau nhưng có lẽ nhân vật khiến cho khán giả mong đợi nhất chính là ẩn số Nguyễn Tử Quảng. Quả bom truyền thông với biệt danh Quảng "nổ" đã thực sự được giải mã khi khán giả cảm nhận được sự chân thành và máu lửa của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tử Quảng - người đã viết nên phần mềm diệt virut máy tính đầu tiên của Việt Nam. Kêu gọi người Việt xoá bỏ định kiến, xoá bỏ tự ti về khả năng của người Việt trong việc làm ra những sản phẩm tốt nhất thế giới, Nguyễn Tử Quảng đã khơi gợi trong các bạn trẻ ý chí về một sứ mệnh làm cho người Việt trở nên tự tin hơn để biến "Việt Nam trở thành một trong những cường quốc hàng đầu về công nghệ". Với tư duy dám đi tiếp cho dù có vấp ngã, dám làm tiếp cho dù gặp thất bại, Nguyễn Tử Quảng luôn tin tưởng "Cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của những ý tưởng sáng tạo không giới hạn", mọi ý tưởng được cho là viển vông đều có thể được thực hiện sau 5 - 10 năm với hạ tầng kỹ thuật, công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão ngày nay.
Khán giả Trần Trung Hoà chia sẻ "Anh Nguyễn Tử Quảng, con người không tưởng. Ý tưởng không tưởng. Nhưng tôi ủng hộ anh. Hãy cứ làm những điều anh cho là đúng anh nhé!". Rất nhiều khán giả đã thay đổi nhìn nhận về "Đông - ki - sốt" Nguyễn Tử Quảng sau khi nghe anh thuyết trình trên Cất cánh. Khán giả Nguyễn Thị Thắm chia sẻ "Lúc đầu nghe mấy phát ngôn gây sốc của bác này, cũng nghĩ là Nổ thật. Nhưng theo dõi qua các năm và chia sẻ của bác này, mình cảm nhận được sự chân thành và máu lửa". Khán giả khác động viên "Chưa biết thành công hay không, nhưng "dám làm" là đã đáng quý rồi". Khán giả Lê Nhật Nam bình luận "Cứ làm việc hết mình rồi mọi việc tốt đẹp sẽ đến với bạn. Rất ngưỡng mộ TS Nguyễn Tử Quảng luôn nỗ lực, sáng tạo và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ. Bác là Hiệp sĩ công nghệ của Việt Nam và Hiệp sĩ công nghệ trong lòng cháu". Nguyễn Tử Quảng cũng chính là một minh chứng cho thế hệ khởi nghiệp F1 trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, những "người đi ngược chiều gió mà không bị gió thổi bay" như cách nói hài hước đầy ngưỡng mộ của khán giả Thảo Linh.
Cất cánh tháng 2 đã kết thúc nhưng dư âm của những câu chuyện truyền cảm hứng mà các nhân vật cùng đồng hành trong cuộc chạy tiếp sức đã chia sẻ từ câu chuyện về chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam, câu chuyện về người viết phần mềm diệt vi rút đầu tiên của Việt Nam cho đến 70 m dây mạng kết nối cả thế giới với cô trò của một trường làng nơi phố huyện vẫn mãi ngân nga trong trái tim và ý chí của những người Việt Nam biết "đi rồi sẽ đến" vì một Việt Nam cất cánh" trong tương lai. "Muốn làm gì hãy lên mạng tìm kiếm cách làm ngay đêm nay và làm điều đó ngay sáng sớm ngày mai khi bạn thức dậy". Đó là thông điệp giản dị mà TS Nguyễn Thành Nam đã nhắn nhủ khi kết thúc chương trình. Hãy "Vì một Việt Nam cất cánh" bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất và làm tốt nhất có thể! Hành trình đang nhận được sự tiếp sức của rất nhiều người. Hãy đi rồi sẽ đến!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!