Đi đường thuỷ, theo thuyền từ sông Nhật Lệ hoặc sông Kiến Giang đến địa phận xã Trường Xuân, rồi lên đường bộ đi thêm 2km nữa, du khách sẽ đến được khu vực núi Thần Đinh. Núi có hình dáng tựa như một đụn rơm lớn, nhưng đỉnh lại tương đối bằng phẳng. Để lên đến đỉnh núi, du khách phải vượt qua hơn 1.200 bậc đá với cây cối um tùm mọc 2 bên đường đi.
Núi có 3 đỉnh là đỉnh Kỳ Lân phía Đông, đỉnh Thần Đinh phía Tây Bắc, đỉnh Long Lão cao nhất ở Tây Nam. Ba đỉnh chầu lại thành thung lũng trên núi được nối kết bởi sườn núi đất như yên ngựa.
Để hình thành vườn chùa và các vườn cây thuốc, hoa quả trên núi, người xưa đã gia công xây kè thành nhiều khoảng bậc thang. Có kè đá cao hơn 2m. Các kè đá còn nguyên nhưng đang bị che phủ bởi cây cối, dây leo chằng chịt chưa được tu tạo lại.
Đứng trên sườn núi, du khách còn có dịp ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp của vùng đất Quảng Bình với dòng sông Rào Trù, Rào Đá uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi, sau những rặng cây xanh hay dòng sông Nhật Lệ cùng dòng Kiến Giang hiền hòa ôm lấy thị trấn Quán Hàu - trung tâm kinh tế huyện Quảng Ninh. Con đường Hồ Chí Minh như một dải lụa trắng vắt ngang dòng sông, tạo nên một bức tranh thủy mặc sống động, đầy sức hút.
Thu hút du khách còn có Chùa Non còn gọi là Chùa Kim Phong và Miếu Thần. Đây là nơi chứa nhiều sự tích lịch sử nhất tại tỉnh Quảng Bình. Từ ngọn núi cho đến ngôi đền thờ thần; từ những cái cây cho đến những mỏm đá, vách núi đều mang một câu chuyện bí ẩn mà người dân đã truyền tai nhau suốt hàng trăm năm qua.