Trong quá trình quy hoạch và xây dựng kinh thành Huế, các nhà kiến trúc đã kiến tạo Kinh thành Huế có 4 mặt, mỗi mặt có các cửa tương ứng với nhu cầu giao thông và thuật phong thủy. Các cửa của Kinh thành Huế được người xưa đặt tên theo phương vị đối xứng nhau từng đôi một, trong đó mặt Nam có 4 cửa là: Thể Nhơn (còn gọi là cửa Ngăn, do trước đây có tường xây cao ngăn thành con đường dành cho vua ra bến sông); Quảng Đức (còn gọi là cửa Ngăn trên, hay cửa Sập, do đã bị sập trong 1 trận lụt lớn hồi đầu thế kỉ 19); Chính Nam (còn gọi là cửa Nhà Đồ, do gần đó có Võ Khố) và cửa Đông Nam (thường gọi là cửa Thượng Tứ, do có Viện Thượng Kỵ và tàu ngựa nằm phía trong cửa).
Mặt Bắc có 2 cửa là: Chính Bắc (còn gọi là cửa Hậu vì nằm ở phía sau kinh thành), và Tây Bắc (còn gọi là cửa An Hòa, gọi theo tên làng ở đây).
Mặt Đông có 2 cửa là: Chính Đông (còn gọi là cửa Đông Ba, gọi theo tên khu vực dân cư ở đây), và Đông Bắc (còn gọi là cửa Kẻ Trài).
Mặt Tây gồm 2 cửa là: Chính Tây, và Tây Nam (còn gọi là cửa Hữu, vì nằm bên phải Kinh Thành).
Kinh Thành Huế còn có một cổng thông với Trấn Bình Đài ở góc Đông Bắc của Kinh Thành (thành Mang Cá) có tên là Trấn Bình Môn (hay cửa Trấn Bình). Ngoài ra, lưu thông với kinh thành Huế còn có hai cửa bằng đường thủy thông với bên ngoài qua hệ thống sông Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan.