Hiếm khi khán giả có thể thấy được những khoảnh khắc diễn viên tuồng hóa trang mặt nạ để chuẩn bị cho vai diễn của mình. Để có một vở tuồng thành công, vẽ mặt nạ là công đoạn quan trọng bậc nhất của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nhân vật thiện hay ác, dũng cảm hay hèn nhát, trung hay nịnh, tất cả đều được thể hiện ở những đường nét của mặt nạ tuồng. Mặt nạ tuồng thể hiện tính cách lẫn cảm xúc, thiện, ác của từng nhân vật mà người diễn viên phải vẽ khá tỉ mỉ và công phu.
Một diễn viên tuồng không chỉ hát, diễn xuất mà còn như một họa sĩ vẽ nên những chiếc mặt mạ có hồn trên sân khấu. Vẽ mặt nạ tuồng khác với cách vẽ của chèo và cải lương, được thể hiện rõ nhất trong thời kỳ hưng thịnh của triều Nguyễn. Mỗi gam màu trên khuôn mặt tuồng là một dấu hiệu, biểu cảm về tính cách. Mặt đen đại diện cho sự rắn chắc. Mặt trắng gợi lên thân phận bạc bẽo. Mặt rằn là tướng mạo của kẻ xấu xí. Mặt đỏ lại tỏ rõ sự trung can nghĩa khí của nhân vật. Màu sắc vẽ mặt nạ phải thật đậm, đường nét phải thật rõ mới lột tả được tính cách nhân vật.