Với đồng bào Cơ Tu vùng biên giới Tây Giang (Quảng Nam), rừng Pơ mu đã tồn tại sừng sững từ nhiều đời qua. Mỗi cây Pơ mu có tuổi đời cả ngàn năm có giá trị kinh tế rất lớn, với quy mô lên đến trên 2000 cây đại thụ thì đây là tài sản khổng lồ. Song vượt lên cả là giá trị về nghiên cứu khoa học, về sinh thái. Vì lẽ đó, cùng với việc phát huy ý thức của đồng bào Cơ Tu tham gia bảo vệ rừng theo tập tục bao đời qua, huyện Tây Giang cũng đã thành lập lực lượng bảo vệ rừng.
Với đồng bào Cơ Tu, rừng Pơ mu được xem như rừng thiêng, và mỗi cội Pơ mu là hiện thân của "Mẹ đại ngàn". Hàng năm, tại từng thôn bản, Hội đồng Già làng sẽ làm Lễ Báo ơn hay còn gọi là Lễ Tạ ơn rừng.
Năm nay, Lễ Tạ ơn rừng được chính quyền Tây Giang chọn làm lễ lớn thường niên. Sau khi khôi phục thành công; Lễ Tạ ơn rừng sẽ được triển khai tới từng thôn bản nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong từng hộ dân. Đồng bào Cơ Tu nơi đây đã phối hợp với chính quyền địa phương hoàn tất hồ sơ, lý lịch của hơn 577 cội Pơ Mu để trình các Bộ ngành Trung ương công nhận Rừng Di sản Pơ mu Tây Giang là Vườn Quốc gia.