TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Câu chuyện "mới kể" về Chương trình THTT "Về bến Long Đại"

Hồ HồngCập nhật 08:26 ngày 19/09/2017

VTV.vn - "Cảm xúc không hề bớt đi mà lúc trực tiếp chính là lúc cảm xúc nhất" - Đó là những chia sẻ rất thật của BTV Thanh Minh (VTV Huế) về chương trình THTT "Về bến Long Đại"

Phóng viên: Chào bạn! Được biết bạn là người TCSX Chương trình "Về bến Long Đại" được THTT trên kênh VTV8 vào ngày (dịp) 27/7 vừa qua. Bạn có thể nói lại một chút về chương trình này được không?

BTV Trần Thanh Minh: Vâng, chào bạn. "Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây" là một trong số các chương trình đặc biệt do Trung tâm THVN tại TP.Huế sản xuất thường kỳ hàng năm với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ đến công lao của các anh hùng, liệt sỹ, hướng về Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Năm 2016, chúng tôi đã thực hiện rất thành công chương trình này tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị. Năm nay, chương trình được thực hiện với quy mô lớn hơn tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn Bến phà Long Đại, tỉnh Quảng Bình. Chương trình có tên: "Về Bến Long Đại".

         Địa danh Phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15, nay là nhánh Đông đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, một địa điểm trọng yếu trên tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa, vũ khí, và đưa quân vượt sông chi viện cho chiến trường Miền Nam trong những năm tháng chiến tranh thống nhất đất nước. Là điểm chốt quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn nên Long Đại là một trong những tọa độ lửa, là trọng điểm địch tập trung đánh phá ác liệt trong chiến tranh. Tuy nhiên nhưng những câu chuyện về Long Đại chưa được nhiều người biết đến. Đó là lý do mà kíp chúng tôi chọn Bến phà Long Đại để thực hiện chương trình.

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 1.

Bối cảnh cầu long Đại (trước kia là bến phà Long Đại)

Phóng viên: Vậy công tác tổ chức một chương trình lớn như thế có gì khó khăn?

BTV Trần Thanh Minh: Nói rằng chương trình này lớn thì chưa hẳn bởi vì có rất nhiều chương trình lớn hơn mà Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và phát sóng trên các kênh từ trước đến nay và cả trong dịp 27/7/2017. Tuy nhiên về ý nghĩa thì theo tôi, đây là một chương trình có ý nghĩa lớn. Cái khó của chương trình là thực hiện trực tiếp đồng thời một lúc trên hai sân khấu khác nhau nên đòi hỏi nhiều phương tiện, trang thiết bị. Địa điểm thực hiện cũng không thuận lợi, chưa có trạm điện hạ thế. Rồi tất cả các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, hoạt cảnh trên sân khấu đều làm live... Tất cả đều là khó khăn. Nhưng đối với chương trình này, cái khó lớn nhất ở đây là tìm lại những câu chuyện, những nhân chứng của Long Đại một thời.

         Nói rằng Bến phà Long Đại là một tọa độ lửa thì tất cả những người từng sống và chiến đấu ở địa danh này đều khẳng định điều đó; nhưng nếu để tìm con người thật, câu chuyện thật để thể hiện điều đó thì không hề dễ dàng bởi rất ít những tư liệu, những câu chuyện viết về nơi đây. Có những đơn vị từng chiến đấu ở đây, bảo vệ bến phà này thì gần như bị xóa sổ. Điều đó cũng cho thấy sự khốc liệt của địa chỉ này trong chiến trang. Chúng tôi đã phải mò mẫm đủ cách để tìm ra các nhân chứng đã từng sống và chiến đấu nơi đây, xâu chuỗi lại các câu chuyện và tìm ra cách để thể hiện sống động nhất, chân thật nhất; làm sao để tái hiện được sự khốc liệt của Long Đại một thời để khán giả có thể hình dung được.

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 2.

Chuẩn bị cảnh quay tái hiện

Phóng viên: Qua theo dõi các lời bình luận của fanpage Tin nóng miền Trung (Trang tương tác chính của VTV8 trên mạng xã hội), chương trình đã để lại nhiều cảm xúc và thực sự đã chạm tới trái tim khán giả. Là một người trẻ như chúng ta, tôi cũng chưa thể hình dung hết sự khốc liệt của chiến tranh, diễn ra tại một nơi như thế ở Quảng Bình nếu không có những chương trình như thế này. Bạn suy nghĩ như thế nào về điều tôi nói?

BTV Trần Thanh Minh: Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những người trong kíp thực hiện chương trình này đều sẽ có chung câu trả lời đối với câu hỏi này. Đó là để chạm tới trái tim khán giả thì trước hết, câu chuyện về Long Đại đã "chạm" vào trái tim của chúng tôi- những người thực hiện chương trình. Như tôi đã nói, Long Đại là "tọa độ lửa" là "Bến Long Đầu", là trọng điểm ác liệt …v.v . ; nhưng những câu chuyện về Long Đại chưa được nhiều người biết đến. Và trong chương trình của chúng tôi đã có những câu chuyện rất nhẹ nhàng, bình dị, chân thật nhưng cũng đầy tính nhân văn và đậm chất anh hùng. Đó là những chiến sĩ của Đại đội phà C16 trước lúc đi rà phá thủy lôi được đơn vị truy điệu sống. Đó là người chiến sĩ quan trắc trong lúc đang đếm bom rơi chứng kiến cảnh 15 thanh niên xung phong C130 Thái Bình cùng lúc bị bom vùi. Đó là những cô gái tuổi chớm đôi mươi trong Trung đội pháo 12 ly 7 anh dũng, kiên cường bắn rơi máy bay địch. Đó là những câu chuyện tình yêu rất đẹp và trong sáng trên chiến trường…

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 3.

Ghi hình trên sông

Phóng viên: Điểm nào trong kịch bản mà các bạn cho là điểm nhấn quan trọng nhất?

BTV Trần Thanh Minh: Tổng thể 90 phút của chương trình bao gồm những tiết mục nghệ thuật với các bài hát, các hoạt cảnh được ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và hát live trên 2 sân khấu tách biệt; và kết hợp với đó là các phóng sự thực tế cộng với tái hiện đề cập đến những câu chuyện lịch sử. Và thông qua hành trình xuyên suốt của người dẫn chuyện, các câu chuyện lịch sử chân thực, sống động được kể lại, được xâu chuỗi để nói lên những chiến công oanh liệt mà thầm lặng của quân và dân - những người lính đã chiến đấu, hy sinh ở Bến phà Long Đại trong những năm tháng chiến tranh. Một kịch bản đan xen nhiều chất liệu và phức tạp như vậy, vì thế việc tính toán để chuyển các nội dung một cách mượt mà, có ý đồ từ sân khấu vào phóng sự hay ngược lại; rồi từ sân khấu này sang sân khấu kia là cả một vấn đề và điều đó chiếm rất nhiều thời gian, công sức của mọi người trong kíp thực hiện chương trình.

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 4.

Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại nơi diễn ra chương trình trực tiếp

Phóng viên: Tại sao các bạn lại mời Nhà báo Lại Văn Sâm tham gia là người dẫn chuyện?

BTV Trần Thanh Minh: Điều này thật sự không nằm ở quyền của tôi mà ở quyền của Tổng đạo diễn chương trình. Tuy nhiên, những ai đã xem chương trình thì sẽ hiểu vì sao chúng tôi lại mời Nhà báo Lại Văn Sâm làm người dẫn chuyện. (cười).

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 5.

Nhà báo Lại Văn Sâm với 2 nhân vật tại Long Đại

Nhà báo Lại Văn Sâm đã rất gần gũi, cảm xúc với từng nhân vật, cảm xúc trong suốt chương trình. Và Nhà báo Lại Văn Sâm đã kết nối được tất cả các nhân vật, các câu chuyện, các phần trong chương trình lại với nhau một cách rất gần gũi, dễ hình dung, dễ hiểu để góp phần đưa chương trình "chạm đến trái tim khán giả" như chị đã nói. 

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 6.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thực hiện nghi thức thỉnh chuông và lễ dâng hương tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ở bến phà Long Đại

Phóng viên: Hỏi nhỏ mang tính nghiệp vụ một chút nhé, trong quá trình diễn ra chương trình THTT, các bạn có gặp sự cố gì không? (cứ nói, nếu không có thì nói theo kiểu ko có)

BTV Trần Thanh Minh: Sự cố của các chương trình trực tiếp thì rất nhiều, nhất là những chương trình mà các ca sĩ, nghệ sĩ diễn hoạt cảnh, chơi live, hát live như chương trình này. Ví dụ: Ngay tiết  mục  đầu tiên của chương trình, cây guitar của nhạc sĩ Lê Minh Sơn không có tiếng và bài hát đấy thiếu đi phần đệm của guitar như trong kịch bản và lúc tập luyện. Rồi lúc Nhà báo Lại Văn Sâm ra dẫn trực tiếp tại sân khấu. Mặc dù Nhà báo Lại Văn Sâm đã nói rồi nhưng bộ phận âm thanh chưa lên tiếng micro của ông, thế là phải nói lại…. Mọi người xem chương trình không biết được điều đó bởi vì chúng tôi luôn cố gắng mang đến những cảm xúc, những điều tốt nhất cho khán giả. Còn phía sau hậu trường thì …. chạy bở hơi tai.(Cười)...

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 7.

trên bến phà xưa

Phóng viên: Từ khâu tiền kỳ tới hậu kỳ, các bạn đã tiếp cận với rất rất nhiều nhân vật lịch sử và cả kỷ vật của người đã khuất. Tôi nghĩ, cảm xúc của những người làm chương trình có chút lặng lại và khi chương trình diễn ra trực tiếp đôi khi thôi nhé (chủ quan của tôi thôi nhé) cảm xúc sẽ giãn ra, hay nói chính xác hơn, nó sẽ khó dâng trào cảm xúc ngay từ những ngày đầu. Vậy có chi tiết nào gây bất ngờ hay nói chính xác hơn là có yếu tố nào nằm ngoài kịch bản khiến chương trình hấp dẫn hơn về mặt cảm xúc không?

BTV Trần Thanh Minh: Cảm xúc không hề bớt đi mà lúc trực tiếp chính là lúc cảm xúc nhất. Đấy là lúc chương trình được xâu chuỗi thực tế, kết nối cụ thể từ các khâu, các bộ phận một cách tổng hòa nhất. Đêm tổng duyệt chương trình chúng tôi bị mắc mưa lớn và không "chạy" chương trình một cách kỹ lưỡng được. Do đó mọi người trong kíp rất lo. Bởi vậy không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người trong kíp, khi thực hiện chương trình trực tiếp đều có những cảm xúc của riêng mình.

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 8.

Gặp những nhân chứng lịch sử đã sống và chiến đấu trên bến phà Long Đại

Phóng viên: Sau khi chương trình lên sóng, admin của Fanpage VTV8 nhận được rất nhiều lời khen ngợi và chia sẻ cảm xúc đặc biệt từ người dân Long Đại, và những người con quê hương Long Đại hiện ở xa quê cùng người dân cả nước. Bạn đánh giá hiệu quả của chương trình này và những thể loại chương trình này thế nào?

BTV Trần Thanh Minh: Chiến tranh lùi xa bao nhiêu năm nhưng những câu chuyện về chiến tranh vẫn còn nhiều điều cần được nhức đến. Chúng tôi chỉ làm những điều cần phải làm. Còn hiệu quả đến đâu thì đấy là quyền quyết định của khán giả, của người xem. Bến phà Long Đại chỉ là một trong rất nhiều, rất nhiều câu chuyện về chiến tranh. Còn chúng tôi, những người thực hiện chương trình đã có 6 tháng để tiếp xúc với người dân vùng Long Đại và những người đã từng sống chiến đấu ở Long Đại. Chúng tôi rất vui khi thấy mình làm được gì đấy cho vùng đất này, dù rất nhỏ. Như trong câu chuyện về Trung đội gái 12 ly 7 bắn rơi 2 máy bay. Các cô ngày ấy chưa đầy 20 tuổi nhưng giờ đã là những người trên dưới 70. Họ mong ước nhiều điều, trong đó có một mong ước được 1 lần tất cả cùng ra thăm lăng Bác Hồ. Và mong ước đó đã được những người đồng nghiệp của chúng tôi ở Ban Giải trí biến thành hiện thực thông qua chương trình "Điều ước Thứ Bảy". Đó là những điều rất tốt mà chúng tôi đã góp một phần nhỏ vào trong đấy.

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 9.

Gặp gỡ nhân chứng sống và chiến đấu trên bến phà Long Đại năm xưa

Phóng viên: Bạn có chia sẻ gì thêm về công việc của các bạn đang làm tại Trung tâm THVN tại TP.Huế?

BTV Trần Thanh Minh: Trung tâm THVN tại TP Huế hiện có nhiều phòng biên tập và phòng Quay phim – Đạo diễn. Lực lượng thì người trẻ có, người lớn tuổi có; tuy nhiên tất cả đều đang cố gắng vì mục tiêu lớn nhất là chất lượng chương trình. Ở đây đối với những chương trình lớn, lãnh đạo Trung tâm sẽ thành lập kíp phù hợp để đảm bảo sản xuất tốt nhất chương trình đó, kể cả việc huy động những người không thuộc khối nội dung nhưng có thể đóng góp cho việc thực hiện chương trình. "Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây – Về Bến Long Đại" là 1 điển hình của việc huy động, thành lập kíp thực hiện để có thể phát huy được các vị trí trong 1 chương trình. Còn đội ngũ những người làm nghề chúng tôi luôn mong muốn thực hiện được những chương trình hay, có ý nghĩa để dành cho khán giả. Bởi vậy chúng tôi luôn nỗ lực để tìm cách đổi mới về nội dung, về cách thể hiện trong mỗi chương trình. Tuy nhiên điều đấy nói thì dễ nhưng làm thì không hề dễ chút nào. Chỉ luôn biết là phải cố gắng và nỗ lực mà thôi. (cười)

Câu chuyện mới kể về Chương trình THTT Về bến Long Đại  - Ảnh 10.

BTV Trần Thanh Minh

Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn bạn, chúc bạn và các phóng viên, biên tập viên trẻ trong ê kíp của bạn luôn có năng lượng để thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình.

Những con đường gây bức xúc giữa lòng Đà Nẵng

VTV.vn - Hơn 7 năm qua, người dân ở một con đường tại TP Đà Nẵng phải sống chung với cảnh mưa lầy nắng bụi, những ổ voi ổ trâu và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.