Còn khoảng 6 tháng là đến mốc 29/3/2019 - nước Anh chính thức không còn là thành viên của Liên minh châu Âu. Mới đây, Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, thậm chí đã kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý khác về quy chế thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu.
Thị trưởng London, một thành viên Công đảng đối lập, cho rằng, nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu với 1 trong 2 trường hợp không đạt được thỏa thuận cụ thể hoặc thống nhất ra một bản thỏa thuận tồi. Trường hợp nào cũng đều bất lợi cho Anh, đặc biệt là Trung tâm tài chính London. Ông Khan không đồng tình với cách thức đàm phán hiện nay của Chính phủ Anh. Khi thời hạn đàm phán sắp hết, sự bế tắc đang gây không ít mệt mỏi và bất an cho nhiều thành phần kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, Thị trưởng London nhấn mạnh, ông không yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 với tính chất đảo ngược với kết quả cuộc trưng cầu về Brexit vào tháng 6/2016. Điều ông muốn là một cuộc trưng cầu với tính chất mới hoàn toàn, qua đó người dân được bỏ phiếu lựa chọn giữa việc chấp nhận bản thỏa thuận rời châu Âu mà Chính phủ có thể đạt được hoặc chọn ở lại với Liên minh châu Âu.
Không ít quan điểm trên chính trường Anh ủng hộ ý kiến của Thị trưởng London. Đảng Dân chủ tự do (Lib Dem) cũng đang kêu gọi một cuộc trưng cầu lần 2 và tập hợp sự ủng hộ của các nghị sỹ đảng Bảo thủ cũng như Công đảng có quan điểm chống Brexit. Theo một khảo sát độc lập, 50% người Anh tin rằng, tác động tổng thể của Brexit sẽ là rất tiêu cực, trong khi 41% vẫn cho rằng Brexit là tốt cho nước Anh. 79% số người được hỏi cho rằng cách thức Chính phủ Anh đang xử lý vấn đề này là không hợp lý, 63% lại có quan điểm sự bế tắc đến từ các nhà đàm phán phía EU.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!